Ngày 7/11, Ban chỉ đạo Tổng kết NQ TW 3 (khóa X) đã tổ chức Hội nghị khu vực miền Trung và miền Nam, lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Đề án tổng kết 10 năm về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí".
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng kết và đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết chủ trì hội nghị. Tham gia Hội nghị, có Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, lãnh đạo nhiều Bộ ngành, địa phương từ Thanh Hóa trở vào.
Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu đã cơ bản đồng tình với nhiệm vụ và giải pháp của dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Hầu hết các ý kiến đóng góp đã đi sâu phân tích các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả phòng chống tham nhũng tại một số thời điểm, một số nơi chưa đạt như yêu cầu dù quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đã thể hiện rõ trong nhiều nghị quyết, văn bản, quy định pháp luật đối với lĩnh vực này.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và giao cho Ban Nội chính Trung ương tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo của Đề án tổng kết. Đối với nhiệm vụ và phương hướng trong thời gian tới, đồng chí Trương Hòa Bình mong muốn mỗi cán bộ, công chức trong khối nội chính phải là những con người cộng sản với bàn tay sạch, trái tim nóng để chống tham nhũng quyết liệt hơn, có hiệu quả hơn, để từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân. Theo đó, phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng một cách nghiêm minh, đúng pháp luật.
Đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước và sự tồn vong của chế độ. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần được tiếp tục triển khai, bổ sung để phát huy hơn nữa hiệu quả nhiệm vụ này.
Thực tế qua 10 năm triển khai, đã phát sinh hiện tượng lãng phí để che đậy tham nhũng tại nhiều dự án đầu tư lớn có liên quan đến lợi ích nhóm như 5 dự án đang thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng mà báo chí phản ánh. Do đó, các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật phải kiến nghị cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, bịt kín các kẽ hở để tội phạm tham nhũng không có cơ hội để vi phạm.
Trong tình hình mới, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu phải coi công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; gắn công tác này với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nhất là tổ chức cơ sở Đảng với phương châm giám sát, kiểm soát quyền lực, hạn chế hiện tượng chống tham nhũng mang tính hình thức.