Day dứt, ám ảnh tại “nghĩa trang không xác”

Huy Hùng| 04/01/2015 08:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một nghĩa trang điện tử đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào tháng 2/2008. Sau hơn 7 năm thành lập, nghĩa trang này đã có gần 60.000 thành viên với hàng trăm lượt khách viếng thăm, hương khói mỗi ngày.

Lên mạng xây mộ, thắp nhang

Một trong những nghĩa trang online được ra đời sớm nhất, và được nhiều người biết đến nhất là nghĩa trang online (http://www.nhomai.vn), mỗi ngày, trang web này có tới hàng nghìn lượt truy cập để thăm viếng, hương khói không chỉ cho những người thân của mình mà còn cho cả những người không hề quen biết. Trong đó, được quan tâm nhiều nhất là nghĩa trang thai nhi với hơn 1.800 phần mộ.

Muốn là thành viên của trang web này người tham gia phải trải qua các bước đăng ký làm thành viên, sau đó mới được tạo một khu đất riêng để đặt mộ.

Sau khi người tham gia gửi tất cả hình ảnh, thông tin cá nhân như ngày, tháng, năm sinh cho quản trị web… bằng các thao tác đơn giản, người tham gia sẽ được tạo phần mộ của riêng mình không khác gì ngôi mộ ngoài đời thật.

Tuy nhiên, tham gia vào nghĩa trang online này, các thành viên cũng phải tuân thủ những quy định và nguyên tắc của người quản lý với trên 13 điều khoản như: Người tham gia phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung trước khi đưa lên mạng, tôn trọng các thành viên khác trong nghĩa trang, cấm mọi hành vi thu thập, lưu trữ và phổ biến các thông tin bất hợp pháp, độc hại lên nghĩa trang…

Khi đã tạo được ngôi mộ của riêng mình, các thành viên sẽ được vào thăm viếng, thắp hương, ghi chép tưởng nhớ cho người đã khuất. Ngoài ra, chủ nhân các ngôi mộ còn trang trí và có thể thay đổi kiểu dáng các ngôi mộ tùy theo ý thích của mình.

Day dứt, ám ảnh tại “nghĩa trang không xác”

Những ngôi mộ ảo được lập ra ngày càng nhiều, đặc biệt là mộ phần thai nhi

Trong nghĩa trang online này, nơi nhiều bài viết nhất và đáng chú ý nhất là nghĩa trang thai nhi, nơi chôn cất những em nhỏ từ một tháng đến 5 tuổi nhưng đa số là những hài nhi xấu số chưa từng được cất tiếng khóc chào đời.

Mỗi ngôi mộ tại đây là một câu chuyện với nhiều cảm xúc khác nhau, người ta có thể trút bầu tâm sự với người đã khuất, nói lời xin lỗi với những sinh linh trót bị vứt bỏ.

Đặc biệt, chủ nhân của các hài nhi đã mất cũng như khách tham quan nghĩa địa này có thể thắp hương viếng người đã mất, mua đồ chơi, hoa quả, quần áo, bánh kẹo… cúng lễ cho người đã mất.

Những ngôi mộ thường xuyên được thăm viếng thì nhang đèn sẽ mới hơn so với những ngôi mộ ít được thăm viếng. Nếu để lâu ngày, những "ngôi mộ" đó sẽ ngả màu xám xịt, nhiều rêu phong.

Đây cũng chính là lời nhắc nhở, cảnh báo thái độ của người sử dụng đối với những "ngôi mộ" của mình.

Tâm sự ảo nói lên sự thật xót xa

Với số lượng mộ phần thai nhi ngày càng tăng, tuy chỉ là những phần mộ ảo nhưng lại nói lên được sự thật xót xa của nhiều bậc “cha mẹ” đã từ bỏ đi đứa con của mình. Đây là một dấu hiệu đáng báo động về tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam, đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên.

"Con yêu của mẹ, ngàn lần vạn lần mẹ xin lỗi con, mẹ đã sai rồi nếu như mẹ không ích kỷ thì con yêu của mẹ sẽ được sinh ra và lớn lên như bao đứa trẻ khác. Con hãy hiểu cho mẹ con nhé và con đừng trách ba của con, mẹ cũng sẽ không bao giờ trách ba của con vì đấy là sự lựa chọn của mẹ. Mẹ không biết nói gì hơn ngoài lời xin lỗi, xin con hãy tha thứ cho mẹ. Mẹ yêu con rất nhiều. Cầu chúc con của mẹ luôn bình an ở thế giới bên kia" (Hoihan…).

"Đứa con bé bỏng mà mẹ đã nỡ lòng bỏ. Con chưa một lần được khóc, được cười, được nằm trong lòng bố mẹ. Là mẹ...người mẹ tội lỗi này đã để con bước đến thế giới này khi bố và mẹ chưa sẵn sàng. Mẹ không có đủ lòng dũng cảm để giữ con lại...cho đến giờ tội lỗi mà mẹ gây ra. mẹ biết rằng con sẽ chẳng thể tha thứ cho mẹ (Tinhtuong…).

Đó là những tâm sự xót xa mà những người mẹ trẻ đã viết cho những đứa trẻ bị bỏ rơi của mình. Không chỉ riêng những người mẹ trẻ đó, đa số những bậc sinh thành khi đến với nghĩa trang online đều để giãi bày những lỗi lầm và cầu mong sự tha thứ.

“Bố xin lỗi vì đã không bảo vệ được con, bố yêu con...” (Hakim..), "Con yêu. Bố mẹ ngàn lần xin lỗi con. Mẹ không bảo vệ được con mẹ có lỗi với con. Lần đầu tiên được làm mẹ. Mẹ rất hạnh phúc. Nhưng bố mẹ hèn nhát. Giờ làm gia đình. Không được bên nhau nữa. Mẹ nhớ con quá" (Tranquang…).

Những mộ phần thai nhi và những dòng tâm sự nhói lòng như thế này của các ông bố, bà mẹ trẻ lên đến con số hàng ngàn.

Day dứt, ám ảnh tại “nghĩa trang không xác”

Mọi người đều có thể thắp nến, nhang cho các phần mộ online

Hiện nay, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong đó có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Con số lạnh lùng này cho thấy, chúng ta đang là nước đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai.

Mỗi thế hệ, mỗi thời đại có một cách thể hiện tình cảm và tìm về hoài niệm khác nhau. Nếu như những người lớn tuổi chọn cách tưởng nhớ, chôn đi nỗi đau của mình bằng việc vùi chúng xuống đất thì với những người trẻ họ lại thực hiện điều đó trên internet.

Thật khó để phê phán hay khuyến khích hình thức nghĩa trang ảo. Nhưng có một điều rõ ràng rằng, khi những người trẻ tìm đến với nghĩa trang online cũng là lúc họ đang nhìn lại bản thân và muốn tự thay đổi mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Day dứt, ám ảnh tại “nghĩa trang không xác”