Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, nuôi hải sản trên biển hiện nay của Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn phôi thai, nuôi gần bờ là chính và nuôi với lồng bè rất sơ sài, đơn giản.
Trong chuyến công tác tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá: Tiềm năng nuôi hải sản trên biển (nuôi biển) của Việt Nam rất lớn, với chiều dài bờ biển 3.260 km, rộng 1 triệu km2, trong đó khảo sát sơ bộ có khoảng 500 nghìn km2 nuôi biển được.
Do đó, có thể nói nuôi biển của chúng ta có lợi thế rất lớn và có thể trở thành ngành công nghiệp, với những đối tượng chủ lực, quy mô sản lượng lớn. Dự kiến đến năm 2030 Việt Nam có thể nuôi biển đạt trên 2 triệu tấn, thay vì chỉ tập trung vào khai thác. Khi giảm được sản lượng khai thác sẽ bảo tồn và phát triển thủy sản bền vững trên vùng biển giàu có.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến
Đáng nói Thứ trưởng Tiến đánh giá, nuôi biển hiện nay của Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn phôi thai, nuôi gần bờ là chính và nuôi với lồng bè rất sơ sài, đơn giản. Con giống cũng chưa được nghiên cứu sản xuất một cách có quy trình công nghệ.
Chia sẻ về định hướng phát triển nuôi biển, Thứ trưởng cho biết: Tên cơ sở khảo sát rà soát lại chúng ta sẽ có quy hoạch. Và, trong nuôi biển chúng ta sẽ chú trọng mấy yếu tố rất quan trọng.
Thứ nhất, con giống phải sản xuất được theo quy trình công nghệ mà mình làm chủ được.
Thứ hai, đối tượng nuôi phải phù hợp từng khu vực, từng vùng biển nuôi và gắn với thị trường trong nước và quốc tế. Hệ thống thiết bị công nghệ nuôi, cụ thể là lồng với hệ thống công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ phải đảm bảo...
Thứ trưởng cho biết, thực tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các đơn vị Viện triển khai rất quyết liệt nội dung trên. Và, mô hình của Viện I đã nghiên cứu ra giống, đã có thức ăn dinh dưỡng, có hệ thống lồng, có hệ thống phân phối cá sẽ được nhân rộng ra nhiều vùng trong thời gian tới.