Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) xác nhận, dầu thải các đối tượng đổ trộm vào đầu nguồn nước Nhà máy nước sạch Sông Đà là của công ty mình. Hiện con gái ông đang bị Công an Hoà Bình mời lên lấy lời khai.
Như tin đã đưa, sáng 20/10, Lý Đình Vũ (SN 1982, trú ở Thuận Thành, Bắc Ninh), kẻ thứ 3 trong việc xả chất thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà đã đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.
Lý Đình Vũ cho biết được 1 người phụ nữ tên là Trang ở Phú Thọ thuê đổ chất thải. Người phụ nữ yêu cầu Vũ đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) lấy chất thải, sau đó đem đến chỗ nào vắng người thì đổ với giá 7 triệu đồng.
Ngày 6/10, Đại và Thám lái xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-087.83 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3), sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90, địa chỉ tại xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe.
Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà
Trao đổi với phóng viên báo Công lý ngày 21/10, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) xác nhận, dầu thải mà các đối tượng đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà là của công ty mình. Ông Truyền cũng cho biết thêm, con gái ông tên là Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 1988) đang làm việc tại phòng kinh doanh, hiện có thể đang được công an Hoà Bình yêu cầu lấy lời khai liên quan vụ việc xả thải nguồn nước sông Đà. Ngoài ra còn có nhân viên Trần Thành Trung (sinh năm 1975) cán bộ phòng vật tư kiêm thủ kho cũng được công an Hoà Bình mời lên làm việc khoảng 2 hôm nay.
Ông Truyền cũng khẳng định, bản thân ông và con gái ông không hề biết đối tượng Vũ và đồng phạm, các đối tượng không có bất cứ liên quan gì đến các hoạt động công ty. Hiện nay tại công ty, ông đã yêu cầu trưởng bộ phận kho làm báo cáo về vụ việc và đã kỷ luật 2 nhân viên liên quan.
"Với cương vị là Chủ tịch HĐQT tôi có trách nhiệm trong việc quản lý dầu thải của công ty mình, nhưng bên tôi ký hợp đồng chuyển dầu thải với Công ty Môi trường xanh. Còn việc Công ty Môi trường xanh vận chuyển và xử lý dầu thải ra sao thì không do chúng tôi kiểm soát. Trước mắt chúng tôi hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra để cùng làm sáng tỏ vấn đề".
Công ty gốm sứ Thanh Hà, nơi các đối tượng lấy nguồn dầu thải xả trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sạch sông Đà
Ông Truyền cho biết thêm, một năm có 400 lít dầu thải máy, trước kia dầu thải của nhà máy được dân xin/mua lại để bẫy chuột ngoài đồng ruộng. Ông cũng phán đoán, Vũ và đồng bọn sau khi lấy được dầu thải đã mang về Hưng Yên và có thể định dùng nhiệt để tái chế, nhiều khả năng định sử dụng lại dầu nhớt. Chưa rõ vì nguyên nhân gì những người kia không xử lý mà đem xả thải trộm ở Hòa Bình, ngay đầu nguồn nước sông Đà như vậy.
Đặc biệt thông tin Công ty gốm sứ Thanh Hà ra thông cáo báo chí, đề xuất ủng hộ người dân 500 triệu đồng để khắc phục sự cố là hoàn toàn không có thật. Ông Truyền cho rằng đó là do dân mạng đồn thổi, tự soạn ra thông cáo, nhưng với mục đích gì không rõ.
Theo Biên bản kiểm tra của Cục Cảnh sát môi trường ngày 19/10/2019 đối với Công ty cổ phần gốm sứ CTH: Khoảng tháng 9/2019 đối tượng Vũ liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Huyền Trang là trợ lý giám đốc để đề xuất tiếp nhận xử lý tái chế số dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được bà Trang đồng ý. Đến ngày 7/10 bà Trang giao lại việc cho ông Trần Thành Trung cán bộ phòng vật tư của Công ty để ông này chuyển giao dầu thải cho đối tượng Vũ. Việc giao dịch giữa bà Trang và Vũ, về phần tài chính bà Trang phải trả cho ông Vũ 1.000 VNĐ/lít dầu thải. |