Người xưa có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, dù tập tục này ngày nay đã bị mai một dần nhưng ở miền biển thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), người dân vẫn thực hiện như một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày đầu năm.
Tục "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" ngày Tết của người Việt xuất phát từ những niềm tin tâm linh và cũng từ nhu cầu đời sống thực tế. Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm để giữ cho quanh năm tình người cũng mặn mà, gia đình hòa khí, tạo sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái.
Hơn thế nữa, muối còn tượng trưng cho là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn. Bên cạnh đó, người Việt vốn cần cù, chịu khó và rất tiết kiệm nên ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.
Chúng tôi có mặt tại đền Cờn - ngôi đền nổi tiếng nhất xứ Nghệ vào dịp cuối tuần. Du khách đổ về đây để lễ bái và du xuân rất đông. Nắm bắt được nhu cầu của du khách, những người bán muối ngồi dọc lối ra vào ngoài cổng đền.
Những gói muối nhỏ được bọc trong túi nilon xếp gọn gàng trong thau hoặc một cái rổ. Những gói muối nhỏ ngày Tết thường không tính đến giá trị thực của hàng hóa. Và những người bán, họ không phải là những người bán muối chuyên nghiệp.
Bà Nhung - người bán muối ở cổng đền cho biết: “Một gói muối được bán với giá 10.000 đồng. Họ mua vì tâm linh là chủ yếu nên không ai kì kèo, mặc cả. Gói nhỏ này thường được mua về cất giữ như một niềm mong ước về một năm mới mặn mà, gắn kết”.
Cầm trên tay gói muối nhỏ xinh xắn, trau chuốt được người bán gói, bọc cẩn thận trong chiếc túi có thắt nơ và có dây cầm, chị Nguyễn Thị Thu - du khách đến từ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, tập tục đầu năm mua muối đã được các thế hệ trong gia đình chị truyền nhau thực hiện mấy chục năm nay. Nó trở thành tín ngưỡng văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của gia đình mỗi dịp Tết.
Ngày nay, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, phong tục này dần trở nên mai một, nhưng những cái ẩn sâu trong nét đẹp văn hóa thì không dễ thay đổi. Đó có thể xem như những gì được gọi là mã văn hóa - tri thức dân gian, những cảm nhận đẹp đẽ về cuộc đời mà tiền nhân đúc kết. Lưu giữ nét đẹp này cũng là cách để bảo tồn những giá trị văn hóa mà cha ông để lại.