Bệnh ung thư dạ dày là bệnh ác tính khá phổ biến, dễ di căn và gây tử vong. Do đó, nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư dạ dày để phòng bệnh tốt nhất.
Những yếu tố nguy cơ phát sinh ung thư dạ dày
Theo Globocan 2020, tại Việt Nam, ung thư dạ dày là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 trong các bệnh lý ung thư gây tử vong, có khoảng 17.000 ca mắc mới và khoảng 14.000 ca tử vong mỗi năm.
Có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày, trong đó các yếu tố nguy cơ phát sinh ung thư dạ dày như:
- Hút thuốc lá: Đây được coi là một yếu tố nguy cơ đáng kể. Không chỉ với những người hút trực tiếp, những người tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn nhiều muối, đồ chiên, nướng, đồ ủ chua… (thịt muối, thịt hun khói…) thường làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Do vi khuẩn Helicopylori : Năm 1994, WHO đã chỉ ra Helicopylori là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong ung thư dạ dày. Người nhiễm Helicopylori có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 3-6 lần so với người không nhiễm, đặc biệt là những người nhiễm Helicopylori mạn tính.
- Do polyp : Những bệnh nhân có polyp tuyến dạ dày, các tổn thương tiền ung thư như: teo niêm mạc dày dày, dị sản ruột, nghịch sản ở dạ dày cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Do di truyền: Ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền như: hội chứng Peutz-Jeghers, FAP, hội chứng Juvenile.
Các dấu hiệu ung thư dạ dày
Các dấu hiệu của ung thư dạ dày tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện. Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày hầu như không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn thì có các biểu hiện sau:
– Đau bụng âm ỉ thượng vị hoặc đôi khi bệnh nhân cảm thấy tức bụng, triệu chứng này rất giống trong viêm loét dạ dày tá tràng nên rất dễ bị bỏ qua.
– Mất cảm giác thèm ăn và sụt cân không rõ nguyên nhân thường xuyên đi kèm với việc ăn không ngon miệng. Sự sụt cân nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn có thể là tín hiệu cảnh báo, đòi hỏi việc được tư vấn y tế kịp thời.
– Buồn nôn, nôn hoặc đầy tức bụng sau khi ăn cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.
– Nuốt nghẹn: Là một triệu chứng có thể gặp trong ung thư dạ dày, thường gặp với những khối u vùng tâm – phình vị.
- Trải qua tình trạng nôn máu (máu đỏ tươi hoặc máu đỏ thẫm) hoặc đi ngoài phân đen trong một thời gian kéo dài, có thể đó là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng như ung thư dạ dày.
Điều trị ung thư dạ dày thế nào?
Điều trị ung thư dạ dày hiện nay là điều trị đa mô thức: kết hợp nhiều phương pháp như: phẫu thuật, hóa chất, điều trị đích, xạ trị… Tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân, giai đoạn phát hiện bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Phẫu thuật vẫn là phương pháp chủ yếu, ngoài việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày, các bác sĩ sẽ tiến hành nạo vét hạch theo chặng để đảm bảo lấy bỏ toàn bộ tổ chức ung thư.
Với những tổn thương tiền ung thư, nếu phát hiện sớm qua nội soi dạ dày - tá tràng thì can thiệp qua nội soi dạ dày tá tràng như cắt dưới niêm mạc - ESD là một trong những phương pháp được lựa chọn. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ tránh được một ca phẫu thuật lớn và kết quả đem lại rất khả quan, gần như khỏi bệnh hoàn toàn.
Để phòng ngừa ung thư dạ dày chúng ta cần chú ý những điều sau:
– Hạn chế ăn đồ ăn mặn, đồ ủ chua, thịt hun khói… vì chúng chứa nhiều nitrit, khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành những chất dễ gây ung thư dạ dày. Nên ăn nhiều rau xanh.
– Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích… Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.
– Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.
– Điều trị dứt điểm các bệnh lý viêm loét dạ dày, viêm trào ngược dạ dày và vi khuẩn HP.
– Đặc biệt nên khám tầm soát ung thư dạ dày hằng năm bằng cách nội soi dạ dày định kỳ, đặc biệt những người trên 40 tuổi, có nhiều yếu tố nguy cơ… để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.