Trong các phiên thảo luận và nhiều phỏng vấn bên lề QH tuần qua, chúng tôi ghi nhận nổi lên những lời tâm huyết “dốc ruột, dốc gan” của ĐBQH đau đáu về một Biển Đông đang dậy sóng, cần có ngay những giải pháp cấp bách để gìn giữ bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Biển Đông đang dậy sóng
Mặc dù nội dung chương trình làm việc ngày 1/4 của Quốc hội là phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội, nhưng vấn đề chủ quyền biển đảo lại được các ĐBQH đặc biệt quan tâm, nhắc tới như một nỗi day dứt khôn nguôi.
Trong ít phút đề cập đến vấn đề biển đảo, cuối bài phát biểu tại nghị trường, đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa đã khiến những người có mặt trong hội trường đầy tâm tư khi nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” (câu thơ gốc trong bài thơ “Tâm sự” được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1967 là “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”). Câu thơ được đại biểu Trương Trọng Nghĩa điều chỉnh đã xuất hiện những từ hạt nhân mang dấu ấn gợi đến sự an nguy của đất nước khi liên kết giữa quá khứ lịch sử- hiện tại - tương lai.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa phát biểu trước Quốc hội
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa cắt nghĩa “Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước và dân tộc này đã tồn tại hơn 4.000 năm qua, cũng nhờ nó mà dân tộc Việt Nam giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đất nước ta sẽ gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng mà còn là một dân tộc biết cách trở thành văn minh và thịnh vượng”.
Gợi nhớ lại lịch sử, cái tên Diên Hồng – tên của hội trường Quốc hội, bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử minh chứng cho một chân lý, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, “hàng ngàn năm qua dân tộc ta đã luôn phải chống lại những kẻ ngoại xâm đông và mạnh hơn mình, nhưng cuối cùng vẫn luôn luôn thắng lợi, bởi vì nuôi dưỡng và tập hợp được lòng yêu nước của toàn dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Hoàn toàn đồng thuận với nỗi trăn trở cũng như việc đưa ra ý kiến mạnh mẽ của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Lê Văn Lai (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đã dành trọn vẹn 7 phút - những lời phát biểu cuối cùng trên tư cách đại biểu Quốc hội để nói nói về vấn đề Biển Đông một cách thẳng thắn: "Tôi thực sự ngạc nhiên, là trong tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan khi đánh giá về Biển Đông đều cho rằng, chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia được đảm bảo chủ quyền... thì thực tế lại không phải như vậy".
"Đánh giá về đảm bảo chủ quyền quốc gia trong khi thì người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép dân, cướp bóc và thậm chí là giết chóc… Tôi cố ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là chủ quyền và lợi ích quốc gia được đảm bảo, nhưng nói thật là tôi ép không nổi"- đại biểu Lê Văn Lai nói. Câu nói không giấu nổi sự chua xót này của đại biểu Lê Văn Lai đã khiến nhiều người có mặt trong nghị trường đồng cảm và cảm thấy một niềm đau về sự mất mát, và lớn hơn là một nỗi lo lắng không hề mơ hồ khi nghĩ tới 4 chữ chủ quyền quốc gia.
Cũng theo đại biểu Lê Văn Lai: "Không thể nào, những hành vi đó không thể nào được coi là bình thường, nó xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia. Còn khi nào chúng ta mới đánh giá những hành vi nào, hệ luỵ nào mới là xâm phạm chủ quyền quốc gia, trong khi đó họ xâm phạm chủ quyền của chúng ta tần suất 20 năm một lần?".
Dẫn cụ thể từng sự việc, đại biểu Lê Văn Lai nói: "Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa. Năm 1974 lấy tây Hoàng Sa; năm 1988 lấy đảo Gạc Ma. Năm 2014 kéo giàn khoan vào Biển Đông và sau đó tần suất dài hơn, dày hơn trong một vài năm lại có một sự kiện mới xâm lấn chủ quyền chúng ta. Biển Đông dậy sóng, trong khi đó chúng ta ngồi đây bình yên đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có đúng không? Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, nhưng đối kháng của chúng ta đã đủ chưa? Phù hợp không?".
Thời Trung cổ ông Galilê trước khi nhận bản án ông ấy nói trái đất vẫn quay. Nếu bây giờ có một ông Galile của thời đại thì ông ấy cũng sẽ nói câu “Biển Đông đang bị xâm hại, chứ không thể có việc chúng ta đảm bảo chủ quyền”.
Trước những lý lẽ này, đại biểu Lê Văn Lai tha thiết đề nghị, "chúng ta hãy đánh giá đúng, chỉ có đánh giá đúng mới đưa ra chủ trương đúng và kế sách đúng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia".
Gửi gắm tới các ĐBQH khoá XIV, đại biểu Lê Văn Lai cho rằng, các ĐBQH nhiệm kỳ tới phải có thái độ đầy đủ, đúng đắn thì mới có kế sách đúng đắn bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Còn riêng với những đại biểu sắp được bầu vào vị trí lãnh đạo mới, đại biểu Lê Văn Lai gửi gắm hai điều. "Tôi chỉ muốn gửi tới các đồng chí sắp được bầu vào vị trí lãnh đạo mới của đất nước hai điều. Một là giặc nội xâm thì làm sao phải chống được tham nhũng. Hai là, giặc ngoại xâm thì phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Chỉ cần làm được hai điều đó thì nhân dân sẽ không bao giờ quên và tôn vinh các đồng chí. Còn lại mọi thứ khác đều là thứ yếu".
Clip đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) dành trọn vẹn 7 phút để phát biểu những lời cuối cùng trên tư cách đại biểu Quốc hội về vấn đề Biển Đông
Trước đó, đại biểu Vũ Công Tiến (ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) dẫn việc Trung Quốc lại đưa giàn khoan vào Biển Đông và nêu quan điểm: “Năm 1974 mất Hoàng Sa có nhiều lý do nhưng tôi cho trong đó có lý do “tin bạn mất bò”... Chúng ta đã có bài học nhãn tiền. Vì thế những diễn biến khó lường trên Biển Đông hiện nay khiến cử tri đặc biệt quan ngại, lo lắng. Tôi hy vọng Đảng ta, Nhà nước ta sẽ có giải pháp đúng đắn để giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân được tự do đánh bắt cá an toàn trên vùng biển của mình” - đại biểu Tiến bày tỏ.
Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) phản ánh vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, thể hiện sự lo lắng bất bình đó là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái pháp luật, trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta; hành hung, cướp tài sản, ngư cụ của ngư dân, làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực.
Vì vậy, đại biểu Phúc đề nghị: “Đảng, Nhà nước cần có các giải pháp kiên quyết đồng bộ và hiệu quả hơn nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ ngư dân và mong muốn Quốc hội có những tuyên bố rõ ràng về Biển Đông”.
Kỳ vọng tân Chủ tịch nước có quan điểm cứng rắn về chủ quyền đất nước
Cuối tuần qua, sự kiện ông Trần Đại Quang đắc cử Chủ tịch nước cũng đã thắp lên niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao của nhiều đại biểu Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, tân Chủ tịch nước với ý chí sắc bén quyết liệt của một vị Tướng khi còn đương nhiệm là Bộ trưởng Bộ Công an, nhiều người dân hi vọng rằng những phẩm chất đó của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ được thể hiện rõ nét và quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra những quyết sách trong bảo vệ chủ quyền đất nước.
Gửi gắm tin tưởng Đại tướng Trần Đại Quang là người xứng để Quốc hội bầu vào vị trị Chủ tịch nước, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (ĐBQH tỉnh Hải Dương) bày tỏ, ai cũng mong người đứng đầu Nhà nước là những người dám làm dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân.
“Tôi mong Đại tướng Trần Đại Quang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước sẽ thực hiện được nguyện vọng của nhân dân, tức là người lãnh đạo của dân, do dân và vì dân”, Tướng Rinh gửi gắm.
Thượng tướng Rinh cũng cho rằng, Chủ tịch nước sẽ làm tròn trách nhiệm của mình, đặc biệt là đối ngoại.
“Nhiệm vụ là Chủ tịch hội đồng quốc phòng an ninh cần có giải pháp tích cực hơn nữa để làm sao chúng ta bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền của đất nước, đặc biệt là tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc”- đại biểu Rinh nói.
Hiến pháp quy định, lực lượng vũ trang bao gồm: quân đội, công an, biên phòng. Chủ tịch nước có vai trò thống lĩnh các lực lưỡng vụ trang. Một trong những nhiệm vụ được coi là nặng nề trong nhiệm kỳ tới là vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nhất là trong bối cảnh Biển Đông dậy sóng. Đại tướng Trần Đại Quang xuất thân từ lực lượng vũ trang, bây giờ trở thành người thống lĩnh lực lượng vũ trang, nên được nhiều ĐBQH tin tưởng, kỳ vọng.
“Chủ tịch nước Trần Đại Quang trưởng thành trong lực lượng vũ trang, tôi cho rằng có thuận lợi trong quản lý, điều hành, xây dựng lực lượng và cần thiết thì ta cũng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu” - đại biểu Trương Minh Hoàng (ĐBQH tỉnh Cà Mau) tin tưởng.
Theo chia sẻ của đại biểu Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh): “Tôi mong muốn tân Chủ tịch nước phải thể hiện được tính thống lĩnh trong lực lượng vũ trang, là quản lý cao nhất Nhà nước về cả đối nội, đối ngoại. Phải là người chính trực, liêm minh và gần gũi. Mong Chủ tịch nước sẽ thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt phải tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trên thế giới và giải quyết các vấn đề biển đảo trên cơ sở luật pháp chứ không phải đối đầu”.
Ở góc nhìn của một doanh nghiệp, doanh nhân, ĐBQH Đặng Thành Tâm (TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ khi còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an đã rất chú trọng tới quan hệ đối ngoại, kể cả quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… Ông cũng đã có nhiều trải nghiệm khi giữ cương vị và phụ trách nhiều lĩnh vực trong ngành Công an.
“Đất nước chúng ta đang ở vị thế tế nhị, nhưng càng ngày sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với chúng ta càng lớn. Chính quan hệ này sẽ giúp chúng ta bảo vệ độc lập chủ quyền tốt hơn”- ông Đặng Thành Tâm nói và kỳ vọng, “tôi kỳ vọng tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ làm công tác đối ngoại thật xuất sắc”.
Tình hình Biển Đông đang khiến các ĐBQH quan ngại khi mới đây Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo cho biết giàn khoan Hải Dương-943 của nước này sẽ hoạt động tại giếng LD 11-1-1, ở vị trí có tọa độ 17°47’28,8’’ vĩ bắc/108°46’00’’ kinh Đông, từ 25.3 - 31.7. Đây là một động thái cần theo dõi và phân tích. Theo thông báo này, giàn khoan cách TP. Tam Á ở đảo Hải Nam 50 hải lý về phía tây nam, vị trí giàn khoan này nằm trong khu vực chồng lấn chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc ở ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Hải Dương-943 là giàn khoan tự nâng, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 122 m và có thể khoan sâu đến 10.668 m. Đây là chuyến tác nghiệp đầu tiên của giàn khoan này sau khi được chuyển giao cho Công ty cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) vào tháng 1. Theo TS. Trần Công Trục, với cự ly khoảng cách của vị trí này thì có thể thấy đây là vị trí được Trung Quốc tính toán, lựa chọn khá kỹ để, một mặt, dễ bề áp đặt quan điểm có lợi cho mình trong khi hai bên đang tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ. Mặt khác, để giăng bẫy pháp lý nhằm giành sự mặc nhiên thừa nhận việc giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 khi đưa ra yêu sách. |