Dấu ấn Việt Nam thể hiện rõ nét qua các kỳ Đại hội đồng AIPA

Ngọc Kim| 23/08/2021 12:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ 23-25/8/2021 Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn sẽ tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 (AIPA-42) theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị được tổ chức tại Brunei với chủ đề ''Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025''. Đây là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa đối với Quốc hội Việt Nam nói chung và các nước trong cộng đồng ASEAN nói chung.

ai-pa-toan-canh.jpg
Đại hội đồng AIPA-42.

Bà Nguyễn Tường Vân, Tổng thư ký AIPA đã cung cấp thêm thông tin về bối cảnh, ý nghĩa, chương trình nghị sự của sự kiện, cũng như vai trò và đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong 26 năm đồng hành cùng AIPA.

Những nội dung quan trọng từ AIPA-42

Bà Nguyễn Tường Vân cho biết: Đại hội đồng AIPA -42 diễn ra trong bối cảnh khi các nước ASEAN đang đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn. Trước tiên là tình hình đại dịch COVID-19, làn sóng mới rất phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có các quốc gia ĐNA; tình hình phức tạp ở Biển Đông, Myanmar. Sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực đang diễn ra gay gắt.

Từ những ngày đầu tháng 8 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhóm họp, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các thách thức của khu vực. Các nước thành viên ASEAN hiện nay cũng đang quyết tâm thúc đẩy thực hiện đồng thuận 5 điểm mà lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua, trong đó thống nhất cử Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN năm nay là Bộ trưởng ngoại giao thứ hai của Brunei sẽ tới Myanmar trong thời gian tới, thống nhất triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar thông qua Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo, quản lý thiên tai của ASEAN.

Về COVID-19, ASEAN đang tiếp tục triển khai các kế hoạch hợp tác, đồng thời nhận được những cam kết hỗ trợ của các nước đối tác liên quan tới vaccine, phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đứng trước những thách thức lớn như vậy, ASEAN hiện nay đang phải gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng có rất nhiều cố gắng. Các hoạt động xây dựng Cộng đồng ASEAN vẫn tiến triển. Hiện nay kế hoạch triển khai cộng đồng ASEAN 2025 đang được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực trong đó có chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, bà Vân cho biết.

Đại hội đồng AIPA-42 tổ chức lần này với chủ đề: “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025” là thể hiện sự cam kết của AIPA với kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số của ASEAN đến năm 2025. Kế hoạch này đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số ASEAN vào đầu năm 2021. Đồng thời qua chủ đề này, AIPA thể hiện ưu tiên trong cam kết xây dựng cộng đồng của ASEAN được thể hiện trong năm Chủ tịch ASEAN của Brunei với chủ đề là “Chúng ta quan tâm, chúng ta cùng chuẩn bị và chúng ta cùng chia sẻ”.

Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cũng cho biết: Dự kiến Đại hội đồng AIPA -42 sẽ thông qua 27 nghị quyết của 5 Ủy ban: Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Tổ chức và Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA). Ủy ban Chính trị sẽ thảo luận các chủ đề về an ninh mạng, thúc đẩy an ninh con người trong chuyển đổi kỹ thuật số, tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Đáng chú ý, kể từ khi AIPA có thêm qui định về vấn đề bổ sung khẩn cấp, tại Đại hội đồng lần này, lần đầu tiên trong lịch sử AIPA, sẽ có thảo luận về vấn đề bổ sung khẩn cấp do Đoàn Indonesia đề xuất về vai trò, hỗ trợ của nghị viện đối với tình hình Myanmar. Ban Chấp hành AIPA đã thảo luận và thông qua vấn đề này, quyết định đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng. Phiên họp của Ủy ban Chính trị sẽ thảo luận về vấn đề bổ sung khẩn cấp.

Bên cạnh đó, các Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức sẽ thảo luận các chủ đề liên quan đến lĩnh vực của mình và đều lồng ghép với vấn đề chuyển đổi kĩ thuật số đề phù hợp với chủ đề chung của Đại hội đồng. Ủy ban Tổ chức sẽ thảo luận về các vấn đề như: ngân sách của AIPA, sửa đổi quy chế, điều lệ của AIPA.

Cũng theo bà Vân, năm nay, ngoài hai vấn đề lớn này, Ủy ban Tổ chức sẽ thảo luận về kết nạp quan sát viên, quy trình đăng cai Đại hội đồng AIPA, văn bản hướng dẫn đối thoại AIPA-ASEAN, đối thoại giữa AIPA và Nghị viện châu Âu (EP), sử dụng Quỹ đặc biệt để chi trả phí vận hành trụ sở mới của Ban thư ký AIPA tại Jakarta. Ngoài ra, Ủy ban Tổ chức cũng sẽ dành một phần thời gian để vinh danh các nghị sĩ, cá nhân đã có những đóng góp thiết thực, cống hiến cho sự phát triển của AIPA và ASEAN.

Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA-42 lần này có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ khóa XV.

Bà Vân cho hay, chủ đề hội nghị năm nay tập trung vào vấn đề chuyển đổi số, trong khi đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về thích ứng với hoàn cảnh mới, đưa kĩ thuật số vào mọi mặt của đời sống xã hội, phấn đấu xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Với quyết tâm của Việt Nam hiện nay và với tinh thần trách nhiệm, sự tích cực trong hội nghị, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam chắc chắn sẽ có những đóng hiệu quả cho hội nghị lần này và góp phần vào thành công của Đại hội đồng.

Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng

Bà Nguyễn Tường Vân cũng cho biết, năm 2021 sẽ kỷ niệm 26 năm Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO/AIPA. Có thể nói vào những thời điểm khó khăn nhất của khu vực, Quốc hội Việt Nam đều có những động thái kịp thời, cùng với các nghị sĩ các nước thành viên AIPA góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khu vực.

tuong-van.jpg
Bà Nguyễn Tường Vân, Tổng thư ký AIPA.

Đầu tiên phải kể đến là sự kiện năm 1998 - 1 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực Đông Nam Á, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức hội nghị chuyên đề về vai trò của nghị viện các nước trước cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1999, nhận được đánh giá rất cao của các nước thành viên trong khu vực về ý nghĩa cũng như nội dung thiết thực của nó, biểu thị sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan lập pháp, trong nỗ lực chung cùng với ASEAN ứng phó với những khó khăn xảy đến cho khu vực.

Đặc biệt, dấu ấn Việt Nam còn thể hiện rất rõ nét qua các kỳ Đại hội đồng được Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức. Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPO là vào năm 2002, sau đó, đến năm 2010, chúng ta đăng cai lần thứ hai Đại hội đồng AIPA 31. Trong vai trò Chủ tịch AIPA khi đó, Quốc hội Việt Nam đã có rất nhiều sáng kiến, như:

Năm 2002, với cương vị Chủ tịch AIPO, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất và tổ chức Hội nghị Ủy ban điều tra thực trạng về ngăn ngừa hiểm họa ma túy và Hội nghị Ủy ban chuyên đề về tổ chức và khen thưởng của AIPO. Kết quả các đại biểu đã đi đến thống nhất trình Đại hội đồng thông qua việc có một giải thưởng chính thức của AIPO dành cho những người có đóng góp xuất sắc cho sự lớn mạnh của AIPA cũng như sự nghiệp chung của ASEAN;

Năm 2010, tại Đại hội đồng AIPA-31 tại Hà Nội, trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua, có tới 22 nghị quyết là sáng kiến của Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam cũng có đóng góp quan trọng trong việc hình thành cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo ASEAN và AIPA trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN hàng năm. Tại Đại hội đồng AIPO-23, với tư cách Chủ tịch AIPO, Việt Nam đã mời Tổng Thư ký ASEAN tham dự kỳ họp như một trong những giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác giữa AIPO/AIPA và ASEAN. Quốc hội Việt Nam xác định, AIPA cần gắn liền với thế giới và đã chủ động mời Tổng thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU) tham gia Kỳ họp Đại hội đồng khi Việt Nam đăng cai. Những điều này, về sau, đã trở thành cơ chế thường xuyên và được nêu trong những văn bản hướng dẫn của AIPA. Hiện nay, Tổng Thư ký ASEAN, Tổng Thư ký IPU đều được mời tham dự các hoạt động của AIPA, giúp tăng cường hội nhập của AIPA đối với thế giới.

Gần đây nhất, năm 2020, tại ĐHĐ AIPA-41, Quốc hội Việt Nam có sáng kiến đưa cuộc họp của các nghị sỹ trẻ trở thành cơ chế thường niên trong chương trình Đại hội đồng AIPA, được các nước nhất trí thể hiện trong nghị quyết, nhằm tạo diễn đàn để phát huy vai trò của các nghị sỹ trẻ trong việc giải quyết các vấn đề chung và các vấn đề liên quan đến thanh niên.

Quốc hội Việt Nam cũng có công lao quan trọng trong đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thư ký AIPA. Khi lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký AIPA, đồng chí Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội – Tổng Thư ký AIPA, đã có quyết định tăng lương cho các cán bộ Ban Thư ký.

Một vài sự kiện như thế để nói lên rằng, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp rất thiết thực, cụ thể và quan trọng trong quá trình đổi mới AIPO/AIPA, bà Vân cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Việt Nam thể hiện rõ nét qua các kỳ Đại hội đồng AIPA