Dấu ấn về phiên tòa cách mạng đầu tiên

Hải Song| 12/09/2020 16:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại những bài học lịch sử sâu sắc cho sự nghiệp cách mạng dân tộc và những giá trị lịch sử hết sức to lớn, góp phần xây dựng nên truyền thống cách mạng của tỉnh Mỹ Tho trong đó có truyền thống của ngành TAND.

Dấu ấn về phiên tòa cách mạng đầu tiên

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Nhà bia ghi dấu điểm xét xử đầu tiên ở Nam Bộ

Phiên tòa lịch sử

Tại tỉnh Mỹ Tho, vào lúc 20 giờ ngày 22/11/1940, Lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ được chuyển đến địa điểm liên lạc của Tỉnh ủy Mỹ Tho tại xã Trung An. Từ nửa đêm 22 đến rạng sáng 23/11/1940, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Mỹ Tho đã nổ ra ở một số trung tâm. Ngay trong ngày 23/11, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, trước hơn 3.000 đồng bào đến dự, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã được thành lập và ra mắt nhân dân.

Đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban khởi nghĩa được cử làm Chủ tịch. Trụ sở chính được đặt tại đình Long Hưng. Cùng ngày, tại đình Long Hưng, chính quyền cách mạng cũng đã quyết định thành lập TAND cách mạng. Khi thành lập, Hội đồng TAND cách mạng gồm 10 đồng chí: Nguyễn Văn Thường (Bảy Thường, có tài liệu ghi là Nguyễn Hữu Thường), Trưởng Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho - Chánh án; Nguyễn Văn Ghè (Bảy Ghè), Tỉnh ủy viên; Đặng Văn Hiệp (Tư Hiệp); Lê Văn Giác (Năm Giác), Bí thư Chi bộ xã Long Hưng; Nguyễn Thị Thập (Mười Thập, Thường trực Ủy ban khởi nghĩa - Phái viên của Tỉnh ủy Mỹ Tho làm nhiệm vụ biện hộ); Nguyễn Văn Quới (Bảy Quới), ủy viên Quận ủy Châu Thành; Nguyễn Văn Huân (Hai Huân); Nguyễn Văn Cò (Ba Cò); Trương Văn Ty và Lê Văn Vĩ.

Sau khi TAND cách mạng được thành lập, vụ án đầu tiên được đưa ra xét xử tại đình Long Hưng, xét xử tên Cai Trí (Bùi Văn Trí, Trưởng đồn Thạnh Phú) bị quân khởi nghĩa bắt lúc 1 giờ ngày 23/11/1940. Đồng chí Nguyễn Thị Thập, đại diện Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho ngồi ghế biện sư bênh vực quyền lợi cho các bị cáo để bảo vệ phiên tòa. Hội đồng TAND cách mạng đã xử tên Trí với hình thức cảnh cáo…

Trong Hồi ký “Từ đất Tiền Giang” của đồng chí Nguyễn Thị Thập, nguyên thành viên của Hội đồng xử án TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho năm 1940 ghi: “Tòa án có cả thẩm phán của nhân dân để bảo vệ quyền lợi nhân dân, có phái viên của Đảng đến dự (hồi này làm bất cứ việc gì cũng đều có một đồng chí đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương. Treo cờ bao giờ cũng phải có hai lá cờ: Cờ đỏ sao vàng và  cờ búa liềm)”.

Tòa án do nhân dân xử, nhưng biện hộ là đại diện của Đảng. Tuy lúc này không có luật lệ gì cả, nhưng sau khi vạch tội cụ thể, tuyên bố lẽ ra chúng phải đền tội ác, dù mức độ nặng nhẹ có khác nhau, nhưng TAND cách mạng xét thấy họ lầm lạc bởi quyền lợi và cuộc sống ích kỷ, bọn Pháp đã làm đổ máu đồng bào ta nhiều rồi, ta không muốn gây thêm cảnh “cốt nhục tương tàn” làm đau khổ thêm cho gia đình họ…Thực chất, đây là đợt sinh hoạt chính trị cho nhân dân trong vùng, nhằm phân biệt bạn thù, tốt xấu, nhận thức rõ đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách khoan hồng của cách mạng.

Chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho trong Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tồn tại được hơn 40 ngày. Trong thời gian này, TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã xét xử hàng chục vụ án tại các xã của quận Châu Thành, Cai Lậy và tại Đình Long Hưng đối với những tên phản cách mạng, bọn Việt gian, tay sai gian ác. Lúc đầu, TAND cách mạng thường tổ chức xử lưu động ở một vài làng, nhưng sau gặp nhiều khó khăn nên tập trung đưa những người có tội, chủ yếu là chống phá cách mạng về xử tại Đình Long Hưng.

TAND cách mạng đã xét xử tên ác ôn khét tiếng Cai Vi ở xã Vĩnh Kim.Trong buổi xét xử này, có gần 1.000 quần chúng tham dự. Sau phân tích tội ác của tên ác ôn này đã gây ra tại xã Vĩnh Kim cũng như trong khu vực, nhân dân xét thấy không thể tha thứ được và đề nghị TAND cách mạng xét án tử hình. Thuận theo nguyện vọng của nhân dân, TAND cách mạng tuyên án tử hình. Trong cuộc khởi nghĩa, đây là trường hợp duy nhất TAND cách mạng tuyên án tử hình. Việc Tòa án xử công khai, có đông đảo quần chúng tham dự và trực tiếp tham gia luận tội đã thật sự tôn trọng quyền quyết định của nhân dân, thể hiện tính dân chủ của một TAND cách mạng.

Trong hoạt động xét xử, Hội đồng xét xử của TAND cách mạng đã căn cứ vào các chính sách cụ thể của Xứ ủy đề ra trong Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ để xét xử hiện rõ sự công bằng và nhân đạo, cụ thể là: Khoan hồng đối với người lầm lạc; bảo vệ quyền lợi nhân dân; tôn trọng tự do tín ngưỡng; hủy bỏ các khế ước giao kèo có tính chất áp bức nhân dân; tịch thu địa bạ của bọn địa chủ phản động để luận tội và kết án.

Việc làm của tòa án đã để lại trong nhân dân dấu ấn sâu sắc về tính nhân văn của cách mạng. Hầu hết các bị cáo sau đó không cộng sự với giặc, mà tích cực ủng hộ cách mạng trong đấu tranh giành độc lập. Hoạt động xét xử công khai của TAND cách mạng tỉnh có sự tham dự của đông đảo người dân lần đầu tiên được trực tiếp tham gia luận tội đã thể hiện rõ tính dân chủ của chính quyền cách mạng, là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý; là công cụ bảo vệ chính quyền cách mạng và quyền công dân

Tiếp nối truyền thống ngành TAND

Việc thành lập TAND cách mạng đầu tiên của Nam bộ vào năm 1940 tại Long Hưng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của hệ thống TAND.

Để tiếp tục động viên cán bộ, công chức, người lao động phát huy truyền thống tốt đẹp của TAND, vào ngày 9/9/2019, TANDTC phối hợp với tỉnh Tiền Giang đã tổ chức xây dựng Nhà bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của TAND ở Nam bộ tại Khu di tích Nam Kỳ khởi nghĩa tại Đình Long Hưng.

Việc TANDTC kết hợp với tỉnh Tiền Giang xây dựng nhà bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ nhằm tri ân các thế hệ cách mạng đã không tiếc máu xương cho nền độc lập của dân tộc, xây dựng nên truyền thống cách mạng ngành TAND nói chung và TAND tỉnh Tiền Giang nói riêng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng tốt đẹp cho muôn đời sau. Đây cũng là những hoạt động thiết thực của ngành TAND lập thành tích tiến tới chào mừng 80 năm Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2020)và 75 năm truyền thống của ngành.

Đồng thời là sự cổ vũ lớn lao để cán bộ, công chức toàn hệ thống tòa án phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”; với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; thực hiện tốt chiến lược cải cách tư pháp... xây dựng các TAND ngày càng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn về phiên tòa cách mạng đầu tiên