Hai bộ xương cá Ông (cá voi) đang được trưng bày tại di tích Lăng Tân, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là hai bộ xương cá Ông lớn nhất Việt Nam.
Ngày 18/9, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) Phạm Thị Hương xác nhận: Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa xác lập kỷ lục hai bộ xương cá Ông được phục dựng, bảo tồn và đang trưng bày tại Di tích Lăng Tân, huyện Lý Sơn là hai bộ xương cá Ông được phục dựng trên đảo lớn nhất Việt Nam.
Hai bộ xương được ngư dân địa phương cung kính đặt với hai tên gọi là "Đồng đình đại vương" và "Đức ngư nhị vị tôn thần". Bộ "Đồng đình đại vương" có chiều dài trên 22m và "Đức ngư nhị vị tôn thần" có chiều dài 18m, cả hai bộ xương đều có chiều cao gần 4m.
Mỗi bộ xương có 50 đốt sống, đường kính đốt sống hơn 40cm, 28 xương sườn, mỗi xương sườn dài gần 10m; phần xương đầu dài 4m và xương ngà dài 4,7m.
Năm 2020, huyện Lý Sơn quyết định mời chuyên gia về phục dựng hai bộ xương cá Ông còn nguyên vẹn có niên đại trên 200 năm này và được bảo tồn tại Di tích Lăng Tân. Đây cũng là hai bộ xương cá Voi được phục dựng đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi.
Từ năm 2021 sau khi được phục dựng, hai bộ xương cá Ông trưng bày tại Lăng Tân và tín ngưỡng nghi lễ thờ cúng cá Ông được huyện Lý Sơn khai thác đã trở thành sản phẩm du lịch mới lạ, đặc sắc ngoài các danh lam, thắng cảnh khác ở đảo Lý Sơn.
Theo thống kê của huyện Lý Sơn, năm 2023 đã có 150.000 du khách đến Lăng Tân để tận mắt chứng kiến hai bộ “ngọc cốt” lớn này. Tại đây, ngoài việc tận mắt chứng kiến sự to lớn của hai bộ xương, du khách còn được nghe những câu chuyện kỳ bí liên quan đến hai bộ xương này, cũng như tìm hiểu tín ngưỡng thờ cá Ông (cá voi) của cư dân đất đảo.
Cá Ông (cá voi) được ngư dân miền biển huyện Lý Sơn ví như vị thần Nam Hải, bảo hộ, cứu ngư dân gặp nạn giữa biển khơi. Bởi vậy khi phát hiện ông “lụy”, các vạn chài miền biển đều tổ chức nghi lễ chôn cất, thờ cúng long trọng để tỏ lòng thành kính.
Tại huyện đảo Lý Sơn có hàng chục lăng, mộ thờ cá Ông. Mỗi nơi có hàng chục bộ xương hay còn gọi là “ngọc cốt” có niên đại từ vài chục năm đến hơn 300 năm tuổi.