Với đường biên giới dài, tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào), cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, ẩm thực đặc sắc và nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều tiềm năng lớn để đánh thức du lịch vùng biên.
Lợi thế về vị trí địa lý và văn hóa
Thanh Hóa có đường biên giới dài 192 km, tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào, trải dài qua 16 xã, thị trấn thuộc 5 huyện biên giới Mường Lát, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân.
Thanh Hóa còn có 3 cửa khẩu đất liền là Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn), Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn (huyện Mường Lát), Cửa khẩu Phụ Khẹo (huyện Thường Xuân) và nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới. Nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm ở các huyện miền núi phía Tây đã được đầu tư, nâng cấp.
Về văn hóa, khu vực biên giới xứ Thanh là nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Mường... từ đó tạo nên sự đa dạng về văn hóa của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, cùng với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ở các bản, làng, các địa danh lịch sử văn hóa tâm linh nổi tiếng… Có thể nói, đây là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển du lịch ở vùng biên xứ Thanh.
Riêng tại huyện vùng cao biên giới Mường Lát, nơi đây tiếp giáp với 2 huyện Viêng Xay và Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào), có cửa khẩu quốc gia Tén Tằn. Mặc dù đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Mường Lát được thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh sắc nên thơ gắn liền với các địa danh lịch sử, tâm linh như: Bản Sài Khao, Bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến, Cột mốc 281, đền thờ Tư Mã Hai Đào, thiền viện Đại Hóa... Đây là điều kiện thuận lợi để nơi đây khai thác và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Trong những năm qua, để góp phần phát triển kinh tế, xã hội các xã miền núi, tỉnh Thanh Hóa đã tận dụng những thế mạnh của vùng, đưa vào khai thác một số điểm du lịch nổi tiếng như du lịch cộng đồng bản Vịn, xã Bát Mọt (huyện Thường Xuân); bản Ngàm, xã Sơn Điện (huyện Quan Sơn); du lịch cửa khẩu quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn), cửa khẩu quốc gia Tén Tằn (huyện Mường Lát); du lịch khám phá động Bo Cúng, xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn)...
Thách thức và giải pháp phát triển du lịch vùng biên
Mặc dù sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhưng trên thực tế du lịch biên giới của Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Nguyên nhân được chỉ ra là do đầu tư cho phát triển du lịch tại các huyện biên giới còn có hạn, cơ sở hạ tầng du lịch vẫn chưa được đầu tư xứng tầm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng.
Bên cạnh một số tuyến đường giao thông trọng điểm được đầu tư, vẫn còn nhiều tuyến đường vào các bản biên giới chưa được nâng cấp, khó khăn cho việc đi lại của người dân cũng như du khách khi tham gia du lịch cộng đồng; việc hợp tác phát triển du lịch với một số huyện giáp biên của nước bạn Lào còn gặp một số khó khăn, vướng mắc…
Nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng thương mại biên giới bám sát các chương trình, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi của tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện an sinh xã hội. Tăng cường quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn khu vực biên giới…
Thúc đẩy du lịch biên giới là không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các huyện vùng biên, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội nói chung của tỉnh Thanh Hóa.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, để du lịch vùng biên xứ Thanh phát triển bền vững và hiệu quả, ngoài sự nỗ lực, phát huy nội lực của các địa phương, rất cần có sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và xã hội.