Chính trị

Đánh giá tác động việc tăng thêm 913.000 tỉ đồng khi tăng lương

Duy Tuấn 25/06/2024 - 17:13

Liên quan đến tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm 913.000 tỉ đồng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tác động của chính sách đến dự toán ngân sách nhà nước

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, chiều 25/6, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và kiềm chế lạm phát

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. "Nội dung đề xuất của Chính phủ đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị".

thuyanh.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Về thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng, Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương. Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.

"Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách; thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao", Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh nêu quan điểm.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở triển khai áp dụng, "nhất là với quy định bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản và giao người đứng đầu xây dựng quy định chế độ tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và tránh trùng lặp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng".

Mục tiêu cao nhất là cải thiện đời sống người hưởng lương

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Thúy Anh, Chính phủ cần xem xét quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội mới được bổ sung trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 "một cách thỏa đáng và ở mức hợp lý".

tra2.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

"Liên quan đến tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm 913.000 tỉ đồng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tác động của chính sách đến dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026", Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh nêu quan điểm .

Ngoài ra, Chính phủ cần bổ sung thông tin đầy đủ về 5 nguồn kinh phí thực hiện tiền lương tới hết năm 2026, đánh giá tác động về ngân sách nhà nước, dự báo nguồn lực và các phát sinh cho những năm sau 2026.

Cơ quan thẩm tra lưu ý, Chính phủ bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung thuộc thẩm quyền theo chỉ đạo của Bộ Chính trị để hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện đời sống người hưởng lương.

thuyanh2.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Cùng với đó trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện những nội dung này tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá tác động việc tăng thêm 913.000 tỉ đồng khi tăng lương