Đời sống

Đánh giá tác động của cải cách tiền lương mới

N.T.D 17/03/2024 - 08:26

Bộ Tài chính vừa có công văn hồi đáp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về đánh giá tác động của cải cách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024 đến thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Bộ Tài chính đề cập đến phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2024 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất.

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, tăng 29,2% chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng (từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng), tăng 38,9% trợ cấp xã hội (từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng).

egegg.jpg
Ảnh minh họa.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức tăng như trên, tổng kinh phí chi trả là 17.276 tỷ đồng, gấp 2,3 lần nguồn kinh phí được Quốc hội phê duyệt là 7.430 tỷ đồng.

Con số này vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách Nhà nước nửa cuối năm 2024.

Vì thế Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xác định cụ thể các mức điều chỉnh, để trình cấp có thẩm quyền quyết định các mức tăng trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính cũng cho biết, ngân sách trung ương khó khăn, tiền bố trí cho tăng lương hưu và các khoản trợ cấp hạn chế trong khi một số địa phương dư nguồn lực lớn cho cải cách tiền lương.

Để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước và chủ động nguồn kinh phí, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo cấp thẩm quyền cho phép dùng nguồn tích lũy của trung ương và tiền còn dư của địa phương sau cải cách tiền lương để chi cho các chính sách này.

Từ năm 2016 đến 2023, Chính phủ đã 06 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với các mức điều chỉnh tương ứng: 8% (năm 2016); 7,44% (năm 2017); 6,92% (năm 2018); 7,19% (năm 2019); 7,4% (năm 2022); 12,5% (năm 2023) trên mức lương hưu hiện hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá tác động của cải cách tiền lương mới