Trưa 15/7, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) thông báo hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi, 13 tháng tuổi, dính liền vùng bụng chậu, an toàn trải qua 1/3 ca mổ tách.
Từ 6h sáng nay (15/7), ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố bắt đầu, dự kiến kéo dài 12 giờ, sẽ kết thúc vào 18h. Hiện, hai bé được 13 tháng tuổi, mỗi bé nặng 15 kg. Khi mới chào đời, cả hai bé chỉ nặng có 3,2 kg.
Đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) hiếm gặp. Trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1 trên 200.000 trẻ. Trong số đó chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.
TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là "chỉ huy trưởng". Nhóm tham vấn chuyên môn có mặt Giáo sư Trần Đông A, vị bác sĩ tài ba thực hiện thành công ca mổ tách cặp anh em song sinh dính liền Việt Đức năm 1988.
Ca phẫu thuật tách rời đang được diễn ra.
Các bác sĩ dự kiến mỗi bé mất khoảng 250-500 ml máu. Bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu.
Trước mổ 2 ngày, hai bé được xét nghiệm tiền phẫu, X-quang phổi, siêu âm tim và mạch máu. Ngày 14/7, hai bé được thụt tháo hậu môn và tắm bằng dung dịch sát trùng.
Bé Trúc Nhi được các bác sĩ phân biệt bằng dấu đỏ trên trán, dấu xanh là Diệu Nhi.
GS Trần Đông A, tham vấn chuyên môn cho biết, tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật là trên 70%. Các bác sĩ đã thảo luận phòng ngừa những biến chứng, bất trắc trong quá trình tiến hành mổ. Thời gian gây mê, tiền phẫu khoảng 2-3 giờ. Hai bệnh nhi được gây mê, sát trùng phẫu trường, đo vẽ các đường rạch.
Thì phẫu thuật thứ nhất cần 2-3 giờ, nhằm tách đường tiêu hóa, chọn lọc bàng quang và cơ quan sinh dục cho hai bé. Thì thứ 2 dài khoảng 2 giờ, tiếp tục bóc tách, rạch da đường tầng sinh môn. Quá trình tách rời và phân chia các phần nội tạng chung hoàn tất.
Thì thứ 3 cần nhiều thời gian nhất, khoảng 4 giờ. Các phẫu thuật viên tiến hành tạo hình, sắp xếp xương chậu, hai chân và các nội tạng vào đúng vị trí sinh học. Bó bột là khâu cuối cùng giúp cố định. Bệnh nhi được chuyển qua khoa Hồi sức tim.
Các bác sĩ cũng đưa ra những đánh giá về nguy cơ có thể xảy ra trong ca mổ tách rời như không tách được 2 bé vì các bất thường về giải phẫu. Theo y văn, tỷ lệ sống sót của cặp song sinh sau khi tách đôi là 74%, nguy cơ một bé tử vong sau khi tách đôi là 11%, hai bé tử vong là 15%.
Cha mẹ của hai bé song sinh bên ngoài phòng mổ
Sau khi 2 con vào phòng mổ, bắt đầu bước vào hành trình "sinh tử khó lường", ở bên ngoài cánh cửa, cha mẹ 2 bé không kìm được nước mắt, bật khóc nức nở.
"Trúc Nhi và Diệu Nhi gắn bó với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố từ lúc còn trong bụng mẹ. Lúc đó các bác sĩ mường tượng được sự dính nhau phức tạp của 2 con, nhưng gia đình quyết tâm nuôi dưỡng 2 con cho đến ngày chào đời. Tâm nguyện của chúng tôi là trả lại cho 2 bé một cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác", Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ.
Ảnh: BVCC