Trên chiếc giường cũ có phần ọp ẹp, chị gạt nước mắt rằng: “Chỉ mong sao có ngày mình bước được chập chững để nấu cho con dăm ba bữa cơm chứ không dám ước khỏe mạnh kiếm tiền nuôi chúng nó”.
Đó là nỗi lòng của người mẹ trẻ bị ung thư cột sống màng tủy giai đoạn cuối Nguyễn Thị Huynh (SN 1984) trú tại xóm 3, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).
Căn bệnh quái ác
Căn bệnh ung thư khiến chị Huynh bị liệt nửa người, mọi sinh hoạt từ nhỏ đến lớn đều phải nhờ tới bàn tay của người mẹ già. Đó cũng là nguyên nhân cướp đi những giây phút được chăm bẵm, vui đùa cùng con cái mà người làm mẹ như chị được tạo hóa ban tặng.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, học xong cấp 3 chị Nguyễn Thị Huynh vào Nam làm công nhân may mặc. Nơi đất khách quê người, chị nên duyên vợ chồng với anh Hoàng Lưu (Nghệ An) vào năm 2008. Hạnh phúc như mỉm cười với chị khi sinh con trai đầu lòng là bé Hoàng Duy Mạnh vào năm 2008.
Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang, khi chị đang mang thai bé thứ hai được 3 tháng thì phát hiện mình bị ung thư cột sống màng tủy. Dù bác sĩ khuyên gia đình nên bỏ cái thai để đảm bảo an toàn cho mẹ nhưng chị vẫn kiên quyết giữ lấy con. Lặng nhìn con trai uống sữa bình ngon lành, chị mỉm cười mãn nguyện: "Hạnh phúc là đây". Xưa nay, lòng người làm mẹ vốn luôn cao cả như vậy, họ sẵn sàng nhường cả sự sống cho con mình.
Bé Hoàng Thiên Phúc, con trai chị Huynh đến nay đã được 14 tháng tuổi. Với chị Huynh, mỗi khi cơn đau bệnh tật hành hạ, chính bàn tay nhỏ nhắn, tiếng gọi mẹ bi bô của cậu con trai đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin. Nhiều lúc, nhìn ánh mắt thảng thốt của con khi chứng kiến mẹ đau quằn quại chị không cầm được lòng.
Bé Hoàng Thiên Phúc lớn lên không hề có giọt sữa nào từ mẹ
Chị kể, bé Phúc chào đời khi mới ở tháng thứ 8 bằng phương pháp mổ non. Nhìn con trai kháu khỉnh, không phải nằm lồng kính chị thầm cảm ơn trời phật đã thương mình. Chị bảo, cái tên Hoàng Thiên Phúc mà vợ chồng chị đặt cho con cũng vì lẽ đó. Tuy lớn lên không hề được một giọt sữa nào từ mẹ nhưng bù lại bé Phúc rất ngoan. Chị Huynh tâm sự: "Nhiều đêm nằm ngủ mà nước mắt chảy dài, thương con sinh ra kém may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa. Thương chồng vất vả nơi đất khách quê người, thương bố mẹ đã già yếu hết chăm con nay lại phải ngày đêm chăm cháu".
Sau một năm ở nhà chăm sóc vợ, anh Lưu đành phải nén nỗi đau vào trong để vào Nam làm thuê kiếm tiền lo cho gia đình. Lương công nhân ba cọc ba đồng nhưng anh luôn dành dụm gửi về nhà để vợ mua thuốc, mua sữa cho con. Thi thoảng có tiền anh gọi điện về nghe tiếng con, tiếng vợ để yên tâm hơn. Thời gian đầu, do bị suy sụp tinh thần nên người chị Huynh chỉ có da bọc xương, phải chuyền nước thay ăn. Đến nay, nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè cùng khát vọng được sống với con cái, thi thoảng chị đã ăn được cơm.
Cần lắm những sẻ chia
Gia đình vốn nghèo, bố mẹ lại tuổi cao sức yếu nên chỉ nhắc đến thôi chị Huynh đã nghẹn đắng lòng. Cả "gia tài" được 5 sào ruộng, tuy bố mẹ chị cần mẫn cày cuốc cả đời nhưng đâu phải mùa nào cũng có lúa, ngô. Mới đây, những thửa ngô xanh mướt của ông Nguyễn Như Mạo (SN 1963, bố chị Huynh) đã bị cơn lũ lịch sử cuốn phăng cả cây trồng cùng vạt đất. Ngày lũ rút, hai ông bà lại tất bật người cày người trỉa sao cho kịp vụ ngô Đông.
Có lẽ, không lời nào nói hết được nỗi lòng của người làm cha, làm ông. Chia sẻ với chúng tôi, giọng ông Mạo như lạc đi: “Nhìn con nằm một chỗ tội lắm. Bố đi xây thì thôi chứ về nhà mà chộ (thấy) con bị liệt nữa người, không dậy được với thằng cu là nước mắt cứ chảy. Giờ tui chỉ có biết động viên nó cố gắng, đừng suy sụp để sống với con thêm ngày nào hay ngày đó”.
Thân mang bệnh cộng khát khao được sống với con nên nghe ai chỉ cho bài thuốc nào là chị tìm cách thử bài đó. Có điều, bệnh tình của chị không vì thế thuyên giảm mà lại tiền mất tật mang. Cách đây ít tháng, có người chỉ cho ông Mạo cách đi xin bài thuốc lá thầy lang người dân tộc. Chỉ cần le lói hi vọng cho con gái, cho thằng cu ngoại là ông Mạo không quản khó khăn để đi tìm. Nghe lời thầy lang, chị Huynh nằm than và phía trên rải một lớp thuốc lá. Tuy nhiên, một thời gian sau, chị bị bỏng tới mức phải nhập viện điều trị cả tháng và giờ người chi chít sẹo.
Tuy chơi ngoan, không phá mẹ nhưng con trai chị cũng thường xuyên đau ốm. Đặc biệt, mỗi khi thời tiết giao mùa là Phúc lại lên cơn ho dữ dội và đột ngột khó thở. Lúc này, hai ông bà lại lật đật nhờ làng xóm lái xe cả chục km đường đèo đưa cháu xuống huyện để khám, tiêm thuốc thì mới đỡ. Còn chị, dù bệnh tình ngày một nặng hơn nhưng gần đây chỉ có thể xin thuốc bảo hiểm hộ nghèo ở tuyến xã, huyện về uống, không có điều kiện để điều trị bằng phương pháp tốt hơn.
Lo cho con gái, hai vợ chồng ông Mạo đang tích góp từng đồng một, làng xóm mỗi người gom góp một ít, hi vọng có thể đưa con gái ra Hà Nội tái khám. Nói đến đây, đôi mắt ông Mạo nặng trĩu: "Chắc phải rất lâu nữa Huynh mới có thể khám lại được. Năm nay, nắng nóng đỉnh điểm, ruộng đồng nứt nẻ nên nhà chỉ làm được một mùa, cây ngô vụ Đông giờ cũng mới nhú mầm và người ta thuê cuốc mướn ít dần đi".
Nói về trường hợp của chị Nguyễn Thị Huynh, ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Hòa Hải cho biết: “Mặc dù bên chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân đóng góp ủng hộ gia đình chị Huynh nhưng chỉ giúp được phần nào vì bà con rốn lũ ai cũng khó khăn vất vả. Cho nên, chúng tôi rất mong được sự sẻ chia và giúp đỡ từ phía cộng đồng”.