Đối với trẻ em sinh ra, việc đăng ký khai sinh phải được thực hiện trong 60 ngày kể từ ngày sinh. Nếu không thực hiện đăng ký đúng hạn, cha mẹ sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn.
Bạn đọc Vù Siu Quảng hỏi: Con tôi đến nay đã 5 tuổi nhưng do một số lý do tôi vẫn chưa đăng ký khai sinh cho con. Xin hỏi, việc đăng ký muộn thì có bị phạt không? Trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn, cần chuẩn bị những thủ tục giấy tờ nào?
Luật sư Trần Nguyễn Thanh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam- Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời: Trong cuộc sống hiện nay, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em là một quyền lợi quan trọng giúp xác định quyền công dân và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của trẻ. Tuy nhiên, không ít trường hợp vì một số lý do khách quan hoặc chủ quan, phụ huynh chưa thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đúng thời hạn, dẫn đến tình trạng trẻ chưa có giấy khai sinh chính thức.
Theo Điều 15 Luật Hộ tịch 2014, việc đăng ký khai sinh là trách nhiệm của cha mẹ đối với mỗi đứa trẻ sinh ra. Đây là bước đầu tiên để xác nhận tình trạng pháp lý của trẻ và bảo vệ quyền lợi của trẻ trong xã hội, bao gồm quyền được cấp dưỡng, quyền thừa kế tài sản, quyền tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, và nhiều quyền lợi khác.
Đối với trẻ em sinh ra, việc đăng ký khai sinh phải được thực hiện trong 60 ngày kể từ ngày sinh. Nếu không thực hiện đăng ký đúng hạn, cha mẹ sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn.
Hiện tại chưa có quy định nào xử phạt hành chính về việc đăng ký khai sinh cho con muộn. Nên dù con bạn đã 5 tuổi, việc đăng ký khai sinh quá hạn vẫn diễn ra theo trình tự, thủ tục thông thường.
Thủ tục đăng ký khai sinh theo quy định hiện hành như sau:
Nơi đăng ký khai sinh:
Người có trách nhiệm (cha, mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích khác; cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ) sẽ làm Giấy khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ (Điều 13 Luật Hộ tịch 2014).
Trường hợp làm Giấy khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ (khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014).
Trường hợp làm Giấy khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tiếp giáp với đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam nơi mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú (điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, khoản 1 Điều 17 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Trường hợp, trẻ là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì làm Giấy khai sinh tại Cơ quan đại diện (khoản 3 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, Điều 2 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP).
Hồ sơ đăng ký khai sinh:
Các loại giấy tờ phải xuất trình:
Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân của người yêu cầu làm giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân (khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người yêu cầu làm giấy khai sinh để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh.
Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
Giấy tờ phải nộp:
Tờ khai theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP.
Giấy chứng sinh. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.