Nếu trong video clip có hành vi vi phạm pháp luật, sau khi được đưa lên mạng các cơ quan chức năng tiến hành vào cuộc xác minh thì việc đưa video lên mạng không được coi là hành vi tố cáo.
Tình cờ đi ngang qua một trường học, tôi được chứng kiến cảnh một nhóm học sinh cấp hai có văng tục, chửi bậy với một nhóm học sinh khác rồi lao vào đánh nhau trước đám bạn hiếu kỳ vây quanh. Tôi rất lên án hành vi bạo lực học đường này và đã quay clip ghi lại sự việc. Tôi muốn đưa clip lên mạng xã hội facbook để phê phán những hành động nóng nảy, bồng bột của nhóm học sinh trong clip. Nhưng tôi rất băn khoăn, không biết việc quay rồi đưa hình ảnh, clip lên mạng có vi phạm pháp luật hay không?
Độc giả Hoàng Thị Mai ( Đan Phượng, Hà Nội).
Trả lời: Dựa trên những dữ liệu mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 BLDS 2005 thì: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác”.
Khoản 3 điều luật này cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Như vậy, trên thực tế nếu tùy tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả mà người đưa hình ảnh của người khác lên mạng có thể bị xử lý hình sự.
Nếu trong video clip có hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ: hành hung, lột đồ, làm nhục người khác và sau khi được đưa lên mạng các cơ quan chức năng tiến hành vào cuộc xác minh thì việc bạn đưa video lên mạng không được coi là hành vi tố cáo.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Tố cáo năm 2011, người tố cáo thông qua hình thức tố cáo trực tiếp hoặc phải có đơn, ghi rõ họ tên, địa chỉ, trong khi người tán phát clip lên mạng thường là giấu mặt. Chỉ khi người quay được clip viết đơn tố cáo và gửi kèm clip quay được đến cơ quan có thẩm quyền thì việc tố cáo đó mới hợp pháp.
Ngược lại, người tung video clip có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự nếu người trong video clip có đơn tố cáo người phát tán hình ảnh, video sử dụng hình ảnh trái phép, xâm phạm bí mật đời tư nếu nội dung của các video clip này liên quan đến bí mật đời tư và không phù hợp với thuần phong mĩ tục khi đưa ra dư luận. Tại Điều 38 BLDS 2005, quy định về quyền bí mật đời tư như sau:
“1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể hành vi nào là bí mật đời tư, hành vi nào không, từ đó xác định khi nào được đưa hình ảnh, khi nào không. Vì vậy, việc xử lý chủ yếu vẫn do từng cơ quan bảo vệ pháp luật cân nhắc.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP thì đối với việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính, có hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 226, BLHS sửa đổi năm 2009 - Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
Như vậy, bạn nên cân nhắc kỹ càng trước việc đưa hình ảnh, thông tin của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác lên các trang mạng xã hội. Đối với các clip phản ánh tiêu cực, thậm chí tố cáo hành vi sai phạm pháp luật bạn nên gửi cho cơ quan chức năng có thẩm quyền, vừa đúng quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo, vừa để cơ quan chức năng điều tra, xử lý, đảm bảo tính bí mật và hiệu quả cao. Trước khi đưa thông tin, hình ảnh, video lên mạng cần ý thức trách nhiệm như khi phát ngôn trước đám đông hay viết bài đăng báo để tránh những hậu quả khó lường về sau cho các bên.
Bạn đọc có những băn khoăn hay thắc mắc về pháp lý, xin hãy gửi câu hỏi về địa chỉ conglydientu@congly.com.vn để được các chuyên gia tư vấn pháp luật giải đáp trong thời gian sớm nhất.