Văn hóa - Du lịch

Đằm thắm sắc chàm

Thanh Hải 09/02/2024 11:00

Trải qua bao thăng trầm, đến nay, những người phụ nữ dân tộc Nùng huyện Xín Mần (Hà Giang) vẫn nhuộm vải bằng cây chàm với tâm niệm giữ gìn, góp phần lưu giữ và phát huy, thể hiện nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Khi những cánh hoa đào mỏng manh khoe sắc hồng báo hiệu một mùa xuân mới đã về, chúng tôi có mặt tại mảnh đất Xín Mần, nằm nép mình bên dòng sông Chảy hiền hòa.

Cách trung tâm tỉnh lỵ 150km, Xín Mần là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, với 18 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Nùng chiếm 44% dân số toàn huyện.

dam-tham-sac-cham-13-.jpg
Từ những tấm vải đã được nhuộm, qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, những bộ trang phục của đồng bào được may vừa vặn với người mặc.

Để đến Xín Mần, bạn sẽ đi qua cung đường khá hiểm trở, nhiều đèo, lắm dốc uốn lượn quanh co. Song bù lại, lại được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những ngọn núi quanh năm bao phủ bởi mây mù được điểm xuyết bằng những mảng màu nâu, xen lẫn vàng, xanh của ruộng bậc thang.

Rải rác ven đường là những ngôi nhà tường đá, trình tường đắp đất dày cộp, trẻ con chơi đùa hồn nhiên dưới những gốc đào nở sớm, thấy xe ôtô lóc cóc đi qua là lại đồng loạt dừng lại vẫy tay ríu rít.

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ chứa đựng nhiều điều bí ẩn thôi thúc du khách đến và khám phá. Đến Xín Mần, điều khiến mọi người để ý nhất chính là văn hóa và trang phục của các dân tộc vẫn còn giữ nguyên vẹn.

Những nếp nhà sàn đơn sơ nép bên dòng suối, những người phụ nữ Nùng trong trang phục truyền thống lao động trên ruộng nương tạo thành nét chấm phá cho khung cảnh yên bình, nên thơ của vùng cao phía Tây Hà Giang.

Thị trấn Cốc Pài nhỏ xinh đang trên đường đô thị hóa. Nơi đây là một điểm nhấn, như là một họa tiết đa sắc tộc trên tấm “thổ cẩm” Xín Mần.

Dưới làn mưa xuân lất phất, những phụ nữ của Hợp tác xã Thêu dệt trang phục Nùng cùng nhau thực hiện một trong những công đoạn làm nên bộ trang phục dân tộc, đó là nhuộm vải bằng nguyên liệu tự nhiên.

Chị Vàng Thị Phương, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thêu dệt trang phục Nùng và Mông chia sẻ: Đối với người phụ nữ Nùng, cây chàm là một trong những loại cây đầu tiên trên rừng được bà, mẹ chỉ mặt, bảo tên. Cô gái Nùng nào trước khi đi lấy chồng cũng phải biết trồng chàm, ủ cây chàm và nhuộm vải, may vá…

Từ xa xưa, người Nùng đánh giá tài năng, đức hạnh của người phụ nữ thông qua khả năng nhuộm vải như được hình thành theo tháng ngày nhọc nhằn của người phụ nữ.

dam-tham-sac-cham-11-.jpg

Cây chàm được thu hái về rồi ủ trong chum từ 1-3 ngày, khi thân và lá tiết hết ra nước tạo thành cao, họ đổ vôi bột vào khoắng đều từ 15 -30 phút. Vôi gặp nước ngâm cây chàm tạo ra thứ màu xanh ngọc đặc trưng bắt mắt, nước thừa và bọt váng được vớt ra chỉ để lại phần nước cốt chàm màu xanh như ngọc, thứ nước này sẽ để trong chum cho đến khi khô thành bột chàm.

Qua nhiều công đoạn và thêm nhiều phụ gia, chàm được đem nhuộm, những thớ vải dệt từ cây bông, cây lanh trắng tinh được ngâm hấp thụ màu chàm chuyển dần màu xanh đen và sẽ trở thành màu vĩnh viễn của tấm vải.

Vải nhuộm thủ công bằng chàm rất bền màu, đặc biệt sau khi phơi khô trong nắng, vải được đánh bóng bằng những viên đá tạo độ bóng cho vải và tăng thêm sức bền của màu nhuộm. Bộ váy áo của phụ nữ Nùng sau khi may từ vải chàm gần như được mặc cả đời sẽ không bao giờ phai màu.

Từ những tấm vải đã được nhuộm, qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, những bộ trang phục của đồng bào được may vừa vặn với người mặc, đây cũng là một công việc đòi hỏi rất nhiều sự chuyên tâm và thật cẩn thận.

Một vuông vải chàm có thể may váy, may áo làm mặt gối, mặt chăn, làm khăn đội đầu hay cũng có khi là dùng để thêu, trang trí các vật dụng trong gia đình.

Không biết từ bao giờ vải chàm đã tạo nên nét duyên dáng trong trang phục của người con gái, làm thăng hoa hương sắc thổ cẩm, những họa tiết thổ cẩm với sắc màu rực rỡ, được khéo léo thêu trên nền sắc màu chàm tạo nên cái hồn của mỗi trang phục dân tộc, chỉ cần nhìn vào vuông vải cũng có thể nhận ra được nét tinh hoa văn hóa của từng dân tộc, từng vùng miền.

dam-tham-sac-cham-9-.jpg
Vải chàm đã tạo nên nét duyên dáng trong trang phục của người con gái.

Người Nùng thường mặc trang phục truyền thống vào rất nhiều dịp như ngày lễ, ngày tết, đám cưới, cuộc gặp gỡ giao lưu quan trọng... Nhận thấy nhu cầu sử dụng trang phục truyền thống của người dân địa phương rất cao, năm 2018, một nhóm gồm 7 chị em tại thôn Cốc Pài biết thêu, may quần áo người Nùng đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác Thêu dệt trang phục Nùng và Mông và nhận làm trang phục cho người dân địa phương khi họ có nhu cầu.

Từ những tấm vải chàm mang màu sắc núi rừng trước đây chỉ để phục vu nhu cầu bản thân và gia đình, giờ đã được tạo thành các sản phẩm hàng hóa đa dạng, nhiều màu sắc phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách hàng.

Năm 2022, Tổ hợp tác quyết định đưa sản phẩm lên nền tảng công nghệ số như Tiktok, Facebook, Zalo… để quảng bá nét đẹp trang phục truyền thống người Nùng đến mọi người. Cách làm này thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu về sản phẩm của nhiều người. Nhờ đó, lượng khách của tổ hợp tác bắt đầu tăng, khách hàng liên hệ đặt hàng không chỉ ở trong tỉnh mà còn đến từ nhiều địa phương khác.

Hiện tại, Tổ hợp tác đang hoạt động ở quy mô nhỏ, nhưng với lượng khách ổn định như hiện nay thời gian tới tổ sẽ mở rộng quy mô, vận động thêm nhiều chị em trong thôn cùng tham gia để vừa là một cách phát triển kinh tế, vừa cùng gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc Nùng.

Nằm dưới đỉnh Đèo gió, xã Nấm Dẩn có làng nghề Nùng U với hơn 30 thành viên cùng nhau lưu giữ nghề và làm các sản phẩm từ vải nhuộm chàm. Hàng ngày, những người phụ nữ này tự thu hái, ủ chàm ở nhà rồi tụ về một gia đình để khâu, may những sản phẩm thủ công như: Vỏ gối, khăn trải bàn, địu...Thu nhập hiện tại của mỗi thành viên trong tổ từ 7 triệu/tháng trở lên.

Để có một tấm vải đậm sắc chàm đen bóng rồi thêu dệt những hoa văn, họa tiết trên đó, làm đẹp cho cộng đồng và cuộc sống là cả một quá trình vất vả, nhuộm vải, mài màu khổ công. Tính chăm chỉ và nhẫn nại của người phụ nữ đã tạo ra những giá trị gia tăng cho sản phẩm thủ công này.

Chính vì thế, ngay từ đầu đã có nhiều đơn vị, cá nhân đặt hàng ở Hà Nội và các tỉnh khác. Các chị vừa sản xuất vừa truyền dạy nghề cho nhiều học viên các dân tộc. Thu nhập của chị em ở đây tuy còn khiêm tốn nhưng công việc mở ra một chân trời mới.

Việc tự tay làm ra những trang phục truyền thống của dân tộc mình bằng cách sử dụng các nguyên liệu tự nhiên vẫn được các bà, các chị duy trì. Trước sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một.

Để gìn giữ và phát triển vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc, những người phụ nữ vùng cao đang ngày đêm âm thầm, nỗ lực trao truyền với mong ước bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa cho muôn đời sau...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đằm thắm sắc chàm