Ngày 6/9, tại Nghệ An đã xuất hiện hình ảnh một vùng mây xoắn khổng lồ xám xịt bốc lên trời ở các địa bàn như TP.Vinh, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò... Vùng mây khác lạ này xuất hiện ngay trước thời điểm bão Yagi chuẩn bị đổ bộ vào nước ta khiến nhiều người không khỏi lo lắng với tình hình thiên tai diễn biến bất thường.
Theo quan sát, từng đợt sóng mây trắng xuất hiện như chẻ đôi bầu trời. Sau đó, mây đen ùn ùn kéo về khiến bầu trời trở nên u ám. Chừng 15 phút sau, trời bắt đầu mưa rào.
Ông Tăng Văn An, Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, cho biết: “Hiện tượng mây xếp tầng thành từng dải được gọi là dải mây hoàn lưu xa của bão. Nó thường xuất hiện vào thời điểm trước khi bão đổ bộ hoặc sau khi bão tan.
Không phải cơn bão nào cũng tạo ra hiện tượng này và nó cũng không phụ thuộc vào cấp độ mạnh, nhẹ của bão. Đây là một hiện tượng tự nhiên, kèm theo sẽ là những trận mưa giông, sấm sét, đôi khi có cả lốc, gió giật”.
“Trong các bản tin cảnh báo bão, các cuộc họp ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương vẫn thường phát đi các cảnh báo về hoàn lưu bão. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến mưa giông kéo dài sau bão", ông An cho biết thêm.
Trước đó, vào đêm 5/9 và rạng sáng 6/9, ở TP. Vinh đã xảy ra hiện tượng gió giật kèm mưa nhỏ, một số tuyến đường bị gãy cành và cây xanh đổ xuống đường. Hiện, các đoàn công tác của thành phố Vinh đi kiểm tra tình hình phòng, chống lụt bão số 3 trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Trung-Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An- Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã ký ban hành Công điện số 36 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3.
Theo dự báo, từ đêm 6/9, khu vực ngoài khơi tỉnh Nghệ An (bao gồm đảo Hòn Mắt) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17, biển động dữ dội.
Trên đất liền, từ gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển tỉnh Nghệ An (bao gồm đảo Hòn Ngư) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 10. Biển động dữ dội…
Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực tỉnh Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến: Vùng núi 60-120mm, có nơi trên 150mm, Trung du và Đồng bằng ven biển 100-200mm, có nơi trên 250mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.