Trường hợp chủ xe ô tô đang di chuyển trên quốc lộ chẳng may tông chết trâu bò thả rông chạy qua đường thì ai phải chịu trách nhiệm?
Hỏi: Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân là do trâu bò thả rông trên quốc lộ. Xin hỏi, trường hợp chủ xe ô tô đang di chuyển trên quốc lộ vô tình tông chết trâu bò thả rông chạy qua đường thì ai phải chịu trách nhiệm? Việc người dân để thả rông trâu bò chạy tung tăng trên các tuyến đường bộ, pháp luật quy định thế nào? Xin cảm ơn.
Nguyễn Chí Bảo
Về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Huế - Công ty Luật TNHH XTVN tư vấn những quy định của pháp luật như sau:
Hành vi thả rông trâu bò, súc vật trên đường quốc lộ diễn ra trên nhiều địa phương. Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã ra sức tuyên truyền pháp luật song cho đến nay tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới” (khoản 2 Điều 34). Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 35 nêu ra một trong số những hành vi không được thực hiện là: “Thả rông súc vật trên đường bộ”.
Đối với chế tài hành chính, nếu người chủ đàn gia súc có các hành vi như: Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới hoặc Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng. Còn đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi vào đường cao tốc trái quy định sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Trong trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp vô ý làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Bên cạnh trách nhiệm hình sự, chủ súc vật thả rông có thể phải chịu thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nếu làm chết người. Theo quy định tại khoản 2 Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015, người gây ra thiệt hại phải bồi thường tổn thất về mặt tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP khoảng 1.490.000 đồng/tháng.
Trong trường hợp không xảy ra thiệt hại về tính mạng con người nhưng khiến cho người tham gia giao thông tổn hại về sức khoẻ do hành vi thả rông súc vật gây ra, chủ súc vật thả rông phải bồi thường các chi phí theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài những chi phí trên, người chủ đàn gia súc còn phải bồi thường những chi phí bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trong trường hợp chủ đàn súc vật thả rông không gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ cho người khác nhưng gây ra thiệt hại về tài sản thì sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại khác do luật quy định.