Xét dưới góc độ bảo vệ nhân quyền, chúng ta dễ dàng nhận thấy người bị kết án tù rất dễ bị xâm hại quyền con người, vì họ là những người đang phải đối mặt bởi sự lên án gay gắt và kỳ thị ở các mức độ khác nhau.
Việc bảo vệ quyền của người đang chấp hành bản án có ý nghĩa quan trọng, mang tính đặc thù về yếu tố chính trị, pháp lý, xã hội trước mắt và lâu dài đối với công dân, với tính chất là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo quyền của công dân một cách tốt nhất.
Phạm nhân tham gia học nghề trong thời gian chấp hành án
Quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân
Thi hành bản án hình sự là một khâu chiếm vị trí quan trọng trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của một người có tội. Xét dưới góc độ bảo vệ nhân quyền, chúng ta dễ dàng nhận thấy người bị kết án tù rất dễ bị xâm hại quyền con người, vì họ là những người đang phải đối mặt bởi sự lên án gay gắt và kỳ thị ở các mức độ khác nhau. Đối mặt với những thách thức, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ quyền con người trong thi hành án phạt tù.
Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 gồm 207 điều, 16 chương và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 đã bổ sung nhiều quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; xuất phát từ nhận thức, phạm nhân là người bị kết án phạt tù, bị cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định theo bản án. Họ có nghĩa vụ lao động, học tập, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Vì vậy, họ không thể được hưởng tất cả các quyền con người, quyền công dân giống như những công dân khác đang ở ngoài xã hội. Việc xác định các quyền cụ thể của phạm nhân vừa phải bảo đảm tính nhân đạo nhưng cũng vừa phải bảo đảm tính nghiêm khắc của hình phạt tù; đồng thời khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước.
Theo đó, tại Điều 27, Luật quy định 10 nhóm quyền cơ bản của họ như: Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, gặp, quyền lao động, học tập, học nghề, quyền được thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật, quyền được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật...
Đồng thời, khoản 2 Điều 27 cũng quy định 5 nhóm nghĩa vụ mà phạm nhân phải thực hiện trong quá trình chấp hành án phạt tù, đây là những nghĩa vụ cơ bản xuất phát từ quan hệ hành chính-tư pháp mà người chấp hành án phải thực hiện như: Chấp hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong quá trình thi hành án hình sự và các quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ phạm nhân, các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án; chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân; cao động, học tập, học nghề theo quy định…
Khoản 3 Điều 27 quy định: “Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Luật này”, việc quy định khái quát này để phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, bảo đảm minh bạch và thuận lợi trong thực tiễn thi hành các quy định liên quan đến quyền của phạm nhân, trên cơ sở rà soát về quyền của phạm nhân được quy định trong Luật.
Để bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền của phạm nhân, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện các chế độ của phạm nhân trong quá trình chấp hành án phạt tù theo hướng cụ thể, nhân đạo, bảo đảm tốt nhất quyền con người trong quá trình chấp hành án phạt tù như: Về tổ chức quản lý, giam giữ phạm nhân: Hồ sơ phạm nhân là tài liệu quan trọng trong công tác quản lý phạm nhân, để bảo đảm tính minh bạch trong công tác quản lý phạm nhân cũng như bảo đảm việc theo dõi và thực hiện các chế độ đối với phạm nhân, Luật đã bổ sung Điều 29 quy định về hồ sơ phạm nhân.
Điều 30 Luật quy định cụ thể, rõ ràng hơn so với Luật Thi hành án hình sự năm 2010 về giam giữ phạm nhân theo hướng kết hợp giữa việc phân loại giam giữ theo tính chất, mức độ tội phạm; đặc điểm của các đối tượng giam giữ với việc đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân và phạm nhân bị kỷ luật.
Chế độ học tập, học nghề (Điều 31), chế độ lao động của phạm nhân (Điều 32) và các chế độ khác cũng được Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cụ thể hóa để bảo đảm các quyền công dân trong thi hành án phạt tù, quy định theo hướng bảo đảm phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người; đặc biệt để phù hợp với quy định về pháp luật về lao động và tính tương thích của Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc.
Theo đó bổ sung các quy định để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành án phạt tù liên quan đến các quy định về hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, trích xuất phạm nhân, quản lý giam giữ phạm nhân. Những nội dung sửa đổi, bổ sung được quy định theo hướng cụ thể hơn, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai.
Hỗ trợ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng
Thời gian qua, Bộ Công an rất quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân. Bộ đã xây dựng trang web giáo dục hướng thiện và hòa nhập cộng đồng, trong đó có chuyên mục tư vấn pháp luật nhằm giúp người ra tù có kiến thức về pháp luật để vận dụng trong cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng. Các trại giam đã tích cực trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục tư vấn pháp luật với nhiều biện pháp, hình thức sáng tạo khác nhau như: Tổ chức lớp học giáo dục công dân; tuyên truyền chính sách pháp luật qua hệ thống phát thanh của trại giam; thi tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (bao gồm cả người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù; trách nhiệm của các bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020.
Nghị định mở rộng thêm người được tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và yêu cầu thực tiễn công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người bị kết án phạt tù trong tình hình hiện nay.
Nghị định cũng bổ sung trách nhiệm của các cơ sở giam giữ trong việc hướng dẫn phạm nhân xây dựng kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng của bản thân; phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân. Đây là nội dung cần thiết nhằm giúp từng phạm nhân có định hướng, lộ trình để trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng của bản thân sau khi chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, tổ chức cho phạm nhân học nghề, nâng cao tay nghề cho phạm nhân với thời gian ít nhất ba tháng trước khi chấp hành xong án phạt tù và phối hợp trong việc cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù. Đây là nội dung cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi giúp người chấp hành xong án phạt tù tìm kiếm việc làm, đồng thời phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 33/CT-TTg về “Tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù”.
Đặc biệt, Nghị định quy định trường hợp thực tế phạm nhân không có nơi nương tựa, không xác định được nơi về cư trú sau khi chấp hành xong án phạt tù và là đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội thì các cơ sở giam giữ phạm nhân đề nghị cơ quan chức năng của địa phương nơi phạm nhân chấp hành án làm thủ tục tiếp nhận vào các cơ sở bảo trợ xã hội của các địa phương sau khi hết hạn chấp hành án phạt tù. Việc đưa nội dung này vào Nghị định để giải quyết vướng mắc thực tế của các cơ sở giam giữ phạm nhân khi trả tự do cho số người chấp hành xong án phạt tù không xác định được nơi về cư trú, ốm đau bệnh tật không tự phục vụ, không có người thân thích…
Như vậy, toàn bộ hệ thống những quan điểm chính sách của Việt Nam đối với những người chấp hành án phạt tù thể hiện sinh động truyền thống nhân đạo, tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam. Xây dựng môi trường giáo dục phạm nhân lành mạnh, an toàn, gần gũi và thân thiện, hỗ trợ tối đa cho mục tiêu hòa nhập cộng đồng của phạm nhân chính là thành quả lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo quyền con người.