Đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 của Hội đồng lương quốc gia đã qua hai phiên họp khá cam go mà chưa có thông báo cuối cùng.
Kết thúc phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia, dư luận xã hội và nhiều chuyên gia lao động rất bất ngờ khi đại diện giới chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất không nên tăng lương tối thiểu vì lý do “bảo vệ sức khỏe" của doanh nghiệp (DN) trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng 8%.
Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, điều 91 Bộ luật Lao động quy định: Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Nói cách khác, lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Đó không chỉ nguyên tắc mà còn là sự công bằng đối với những NLĐ đang ngày đêm bỏ mồ hôi, công sức của mình để tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN cũng đã xác định: Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Vì những lý do này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng không thể dưới 8%. Đây là mức được tính toán cộng phần trăm trượt giá, tăng năng suất lao động, chênh lệch giữa mức lương tối thiểu và nhu cầu sống tối thiểu.
Cuối tháng 7, phiên họp thứ hai về tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 đã kết thúc khi hai bên chưa thống nhất được mức tăng. Lần này đại diện giới chủ sử dụng lao động đã xuống thang khi đề nghị nâng từ 0% lên 2% nghĩa là có thu hẹp khoảng cách mức tăng giữa hai bên.
Qua hai phiên họp, đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam luôn kiên định đề xuất mức tăng 8%. Lý do được Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đã đạt mức 7,8% - cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Chỉ số CPI hiện nay cũng đang được kìm chế ở mức 4% cho nên có cơ sở để thực hiện tăng lương năm 2019 là 8%.
Tại lần thương lượng thứ hai, đại diện VCCI thay vì đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, đã đưa ra mức 2%. Giới chủ lý giải mức đề xuất tăng 2% đã tính đến sự cân đối, đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện chất lượng việc làm cũng như tạo thêm nguồn công việc mới cho người lao động.
Tuy nhiên đại diện Viện Công nhân Công đoàn cho rằng tỷ lệ tăng này là rất thấp. Bởi lẽ mức trượt giá hiện nay đã lên gần 4%. Vì thế, mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng không thể chỉ tăng ở mức này, người lao động vẫn không thể giải quyết được bài toán chi phí sinh hoạt tối thiểu cho mình và gia đình…
Tham gia phiên họp, đại diện Bộ LĐ- TB và XH nhấn mạnh, theo lộ trình thực hiện Nghị quyết Trung ương số 27 về cải cách chính sách tiền lương, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phải đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2020, vì thế, năm 2019 vẫn phải tăng lương tối thiểu vùng. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực giữ mức CPI không tăng quá cao mới đảm bảo được tiền lương thực tế cho người lao động. Vì thế tăng lương thế nào để không có sự tác động quá lớn đến doanh nghiệp, cải thiện đời sống của người lao động và bảo đảm việc làm là bài toán không dễ.