Sáng 22/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần thiết phải quy định nguyên tắc áp dụng luật tại Luật Kinh doanh bảo hiểm. Những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm thì được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về hợp đồng bảo hiểm, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung như: bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm… Tuy nhiên, để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật.
Về giấy phép thành lập và hoạt động, Thường trực Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành), đồng thời bổ sung điều khoản quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Về vấn đề bảo hiểm vi mô, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến cho rằng cần rà soát thêm về nguyên tắc áp dụng pháp luật để tránh chồng chéo giữa các quy định hiện hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Pháp luật chủ trì hai nội dung về nguyên tắc áp dụng pháp luật, điều khoản thi hành để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cần đảm bảo hài hòa hơn nữa của quyền lợi của người mua bảo hiểm với tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; quy định cụ thể, chi tiết những vấn đề liên quan đến người mua bảo hiểm, đặc biệt là trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, báo cáo giải trình, tiếp thu cần làm rõ quá trình rà soát, chỉnh lý của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; thể hiện rõ quy mô sửa chữa so với bản dự thảo trước đây. Trước khi xem xét nội dung kỹ thuật chi tiết, cần phải bám sát quan điểm, mục tiêu, yêu cầu xây dựng luật từ ban đầu để đảm bảo giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất, căn cơ nhất: phải tiếp cận với công nghệ mới nhất, đảm bảo phát triển nền kinh tế số; đảm bảo công khai minh bạch, tạo thuận lợi để phát triển thị trường bảo hiểm tiềm năng này; đồng thời phải phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát lại về các loại hình bảo hiểm để đảm bảo đưa ra cách phân loại có hệ thống, nhất quán trong dự thảo Luật. Nghiên cứu quy định rõ ràng và hợp lý vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế, tiếp cận cập nhật xu hướng công nghệ mới để có bước phát triển đột phá và đảm bảo tính bền vững sau khi Luật được ban hành.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án điều chỉnh bố cục một số chương, mục của dự thảo Luật, thống nhất hướng tiếp thu 03 nội dung lớn như trong dự thảo Luật gồm: Cần thiết quy định bảo hiểm vi mô trong Luật Kinh doanh bảo hiểm; dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý sử dụng số dư quỹ; tán thành giấy phép thành lập hoạt động cũng chính là giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp như quy định hiện hành, đồng thời, khi doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật; tập hợp đầy đủ ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3.