Đăk Lăk: Ngân hàng thu tiền chênh lệch trái quy định?

Trâm Trần| 24/05/2016 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2005, 2006, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Phát (Công ty Tân Phát) do ông Phạm Hoài Nam làm Giám đốc đã ký kết 12 hợp đồng tín dụng từng lần với Ngân hàng Ngoại thương, Chi nhánh Đắk Lắk vay bổ sung vốn lưu động xuất khẩu cà phê.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, phía ngân hàng này cố tình “cấn trừ” nợ sai nguyên tắc đối với Công ty ông…

Ngân hàng “cấn trừ” nợ sai nguyên tắc?

Thời điểm Công ty Tân Phát (địa chỉ 41 Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), gặp khó khăn, không vay vốn được nên Công ty Tân Phát chuyển nợ, Ngân hàng Ngoại thương - Chi nhánh Đắk Lắk đã bán khoản nợ 17 tỷ đồng cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp mua với giá trị 15.258.000.000 đồng, số tiền chênh lệch còn lại 1,7 tỷ đồng (làm tròn số). Ngân hàng tiếp tục đồng ý ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Tân Phát vay một khoản vay mới là 4 tỷ đồng (tài sản thế chấp là tại số 41, Lý Thường Kiệt, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk). Sau khi giải ngân cho Công ty Tân Phát vay 4 tỷ đồng, Ngân hàng đã cắt 1,7 tỷ đồng để bù trừ với số tiền chênh lệch mua bán nợ còn thiếu trong Hợp đồng kinh tế số 04/2006/HĐKT-MBN ngày 22/11/2006…

Đăk Lăk: Ngân hàng thu tiền chênh lệch trái quy định?

Đoàn Hội sở ngân hàng Ngoại thương đến làm việc tại Công ty Tân Phát (ảnh do công ty cung cấp)

Cụ thể, khi Công ty Tân Phát vay hợp đồng 4 tỷ đồng này, ngân hàng đã “cấn nợ” số tiền 1,9 tỷ đồng (bao gồm cả nợ lãi) mà không hề có bất cứ thông báo cho Tân Phát. Theo ông Nam, việc cấn trừ này trái pháp luật, trái với quy định tại Chương 2, Điều 8 điểm d, Quyết định số 140/1999/QĐ-NHNN14 ngày 19/4/1999 Ban hành quy chế mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng. Các điều khoản này quy định về quy chế mua bán nợ là Ngân hàng không được thu phí của khách nợ dưới bất kỳ hình thức nào. Tại biên bản làm việc ngày 6/9/2006, Công ty đã đồng ý chuyển giao tài sản là nhà và đất tại số 7 Phan Chu Trinh, TP. Buôn Mê Thuột cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn động của doanh nghiệp. Trong biên bản ghi rõ, toàn bộ giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh còn lại tiếp tục đảm bảo dư nợ vay tại ngân hàng.

Khi phát hiện ra việc Công ty bị cấn trừ số nợ này, Công ty Tân Phát đến làm việc với Vietcombank Chi nhánh Đắk Lắk để đề nghị làm rõ số tiền Ngân hàng thu sai, đồng thời yêu cầu ngân hàng phải trả lại cho Công ty Tân Phát 1,9 tỷ đồng từ năm 2006. Điều đáng nói ở đây, mặc dù Ngân hàng Vietcombank Đắk Lắk biết việc cấn trừ số tiền trên là không đúng với quy định tại Quyết định số 140/1999/QĐ-NHNN14 nhưng vẫn cố tình “phớt lờ” đề nghị của doanh nghiệp.

Theo ông Nam, mặc dù Công ty ông có những khoản nợ nhất định với ngân hàng nhưng ngược lại, đối với số tiền 1,9 tỷ đồng mà ngân hàng đã cấn trừ của Công ty mà ngân hàng chưa trả cũng có nghĩa là ngân hàng đang nợ Công ty ông số tiền này. Cũng chính vì vậy, khi bị yêu cầu THA đối với các khoản nợ với ngân hàng, ông Nam đã đề nghị Cục THADS tỉnh Đắk Lắk xem xét những tình tiết mới về số tiền 1,9 tỷ đồng mà Vietcombank Đắk Lắk còn nợ Công ty ông. Tuy nhiên, Cục THADS tỉnh Đắk Lắk vẫn ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Công ty cổ phần đấu giá Việt - Chi nhánh Đắk Lắk. Việc làm này đã gây thiệt hại nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Tân Phát nói chung và gia đình ông nói riêng.

Chờ phán quyết của Tòa án

Như vậy, nếu Công ty Tân Phát vay số tiền 4 tỷ đồng và ngân hàng đã tự động khấu trừ 1,9 tỷ đồng thì cần phải xác định khoản nợ còn lại của Công ty Tân Phát một cách rạch ròi trước khi yêu cầu THA. Đằng này, ngân hàng vẫn xác định số nợ của Công ty Tân Phát là 4 tỷ đồng nợ gốc và 700 triệu đồng nợ lãi (tổng cộng 4,7 tỷ đồng). Về vấn đề này, Công ty Tân Phát đã có nhiều văn bản đề nghị làm rõ số tiền. Khi đã rõ ràng về khoản tiền này, Công ty sẽ trả dứt điểm nợ cho ngân hàng mà không cần đến THA.

Căn cứ vào hồ sơ tài liệu cho thấy, việc thu hồi khoản tiền này của ngân hàng vi phạm điều khoản thể hiện ở Thông tư số 38/2006/TT-BTC về trình tự, thủ tục và xử lý tài chính với hoạt động mua bán nợ. Khi mua bán nợ thì bên bán nợ (ngân hàng) có sự chênh lệch số tiền thu được khi bán nợ với giá trị khoản nợ thì phần còn thiếu được hoạch toán vào chi phí kinh doanh của bên bán nợ… Trong việc mua bán nợ này, ngân hàng đã cố ý vi phạm quy định của Nhà nước về tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước. 

Về vấn đề này, Công ty Tân Phát đã có đơn khởi kiện, đề nghị TAND TP. Buôn Ma Thuột làm rõ việc, vì sao Công ty Tân Phát vay 4 tỷ đồng nhưng thực chất chỉ nhận được 2,1 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng vẫn buộc Công ty Tân Phát phải trả 4,7 tỷ đồng. Điều khiến Công ty Tân Phát cũng như cá nhân ông Nam bức xúc là không hiểu vì sao, trong khi Công ty Tân Phát khởi kiện ngân hàng với số tiền 1,9 tỷ đồng chưa được phân định rạch ròi thì phía ngân hàng lại kết hợp với cơ quan THA để thi hành đối với số nợ trên?

Vụ việc kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của Công ty Tân Phát cũng như cá nhân ông Nam. Để vụ việc sớm đi đến hồi kết, Công ty Tân Phát đang chờ đợi sự phán quyết từ TAND TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đăk Lăk: Ngân hàng thu tiền chênh lệch trái quy định?