Mặc dù có nhiều gian trưng bày, nhưng khu Báo xuân qua những thời kỳ đã thu hút sự quan tâm của người xem với nhiều đầu báo giàu tính nghệ thuật, lịch sử.
Nhân dịp đầu Xuân, đồng thời kỷ niệm 150 năm ra đời báo quốc ngữ Việt Nam và 90 năm báo chí cách mạng, Đại hội sách cũ được tổ chức lần thứ hai thu hút đông đảo người xem với nhiều hoạt động: Xin chữ thư pháp, vẽ chân dung, mua và quyên góp sách… Thế nhưng ở một góc nhỏ dành triển lãm những tờ báo xưa thời bao cấp lại giành được nhiều người sự quan tâm và chú ý và khách đến tham quan trưng bày.
Hai thế hệ cùng có niềm đam mê sách cũ
Tờ báo xưa - Hồi ức về một thời
Những tờ báo xuân nổi tiếng như Nhân dân, Khoa học và Công nghệ, Văn nghệ… luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt với lớp người có tuổi đã từng một thời gắn bó. Những trang báo ngả màu thời gian đánh dấu lịch sử phát triển văn hóa của dân tộc khiến không ít độc giả bồi hồi khi nhớ về những năm tháng đã qua.
Tìm đến Đại hội sách như nhiều người khác cũng vì thỏa niềm đam mê chiêm ngưỡng và sưu tầm những quyển sách hay và quý, thế nhưng ông Vinh (63 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) còn dành cho khu triển lãm báo xuân qua các thời kỳ nhiều tình cảm hơn cả.
Ông Vinh bày tỏ “Xem lại những tờ báo cũ ngày xưa tôi thấy bồi hồi, gần gũi, nó gắn bó với một thời niên thiếu của tôi và những người cùng lứa. Ngày xưa tôi đều đặn đón đọc tin tức bóng đá trên tờ Nhân dân dù số ra rất ít, và phải đặt báo thường xuyên”.
Cầm tờ báo xuân Văn Nghệ số 1968 với niềm xao xuyến về kỷ niệm một thời tuổi trẻ của mình , bà Nguyễn Hoàng Mai (61 tuổi, Hà Nội) chia sẻ “Ngày ấy thích đọc mục Truyện ngắn của báo Văn nghệ, số nào tôi cũng đón đọc. Đến khi chuyển từ Vinh ra Hà Nội công tác và làm báo tôi đem theo cả xe tải báo Văn nghệ vừa để đọc vừa để kỷ niệm”.
Bà Mai còn cho hay, hiện gia đình bà vẫn còn lưu giữ nhiều tờ báo cũ, mỗi khi rảnh rỗi bà và chồng đem đọc lại để cùng nhớ lại một thời đã qua.
Những trang báo khả màu thời gian thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả lớn tuổi
Tiếp nối giá trị xưa
Không chỉ những người cao tuổi mà những người trẻ cũng tìm đến báo xuân thời bao cấp, để thỏa chí tò mò vừa để hiểu hơn về những tờ báo giàu tính nghệ thuật và lịch sử đã gắn bó với thời kỳ gian khó của đất nước.
Phạm Quỳnh Như (sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Truyền thông) cho biết “Xem những tờ báo này thấy mặc dù cũ, mặc dù trình bày không đẹp và hiện đại như bây giờ nhưng em thấy rất quý. Đứng ở đây hơn một tiếng đồng hồ đọc tờ Nhân dân bố kể ngày xưa hay lắm, giờ mới được đọc nên em rất muốn tìm hiểu”.
Những tờ báo xuân thời xưa giống như chất keo kết dính truyền thống của thế hệ đi trước và thế hệ sau.Những tờ báo đã ố màu nhưng vẫn giữ được hồn cốt của những ngày đất nước gian khó.
Tham gia Đại hội sách cũ lần 2, độc giả còn có cơ hội trò chuyện cùng diễn giả Tạ Thu Phong và các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Đình Chính (con trai nhà thơ Nguyễn Đình Thi), Trần Ninh Hồ với những câu chuyện thơ văn xuyên suốt nhiều giai đoạn.
Bên cạnh đó, Đại hội sách cũ cũng tái hiện hình ảnh xin chữ xưa với gian hàng viết thư pháp cổ đầu xuân; Vẽ chân dung, ký họa và sáng tạo với Giấy dó tại Góc sáng tạo; Đàm đạo, trò chuyện về sách cũ tại không gian trà đạo thanh bình; Quyên góp từ thiện cho dự án Sách hóa nông thôn; cùng nhiều chương trình thú vị khác như đấu giá sách, vẽ tranh, triển lãm sách quý...
Một số hình ảnh được phóng viên ghi lại tại Đại hội sách cũ lần 2: