Sáng 18/12, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể của Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ II.
Dự Đại hội có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương cùng trên 200 đại biểu, đại diện cho khoảng 3.000 công chứng viên trên toàn quốc.
Đại hội nhằm tổng kết công tác nhiệm kỳ thứ I từ năm 2019 đến nay, đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.
Năm 2019, cả nước có 51 tỉnh, thành phố thành lập Hội Công chứng viên với 2.600 công chứng viên. Sau hơn 3 năm, Hội được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước với 3.054 công chứng viên. Số lượng công chứng viên chủ yếu tập trung ở những đô thị lớn, địa bàn dân cư đông, phát triển kinh tế mạnh, trong đó TPHCM có 448 công chứng viên, chiếm 14,54% tổng số công chứng viên toàn quốc; Hà Nội có 445 công chứng viên, chiếm 14,44%.
Để hoạt động nhiệm kỳ II đạt hiệu quả, chất lượng, Hiệp hội đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ. Theo đó, nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của hội viên và kiểm tra, giám sát hội viên; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động nghề công chứng. Hiệp hội đóng vai trò tích cực, chủ động trong quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng; đẩy mạnh hoạt động hợp tác về công chứng ở trong nước, quốc tế theo văn bản đã ký kết và quy định của pháp luật.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và biểu dương thành tích mà các công chứng viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng. Trong lĩnh vực công chứng, Nghị quyết xác định: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng…; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội…” Như vậy, thời gian tới, yêu cầu, nhiệm vụ đối với hoạt động công chứng sẽ ngày càng cao hơn.
Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp mà Đại hội đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị, nhiệm kỳ II, Hiệp hội tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực công chứng, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 172/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, đảm bảo phát huy đầy đủ, trọn vẹn hơn vai trò của hoạt động công chứng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Định hướng phát triển phải bảo đảm tính bền vững, lấy nguyên tắc an toàn pháp lý cao nhất cho các hợp đồng, giao dịch là điều kiện hàng đầu và thước đo giá trị cho hoạt động này, đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm đối với xã hội, người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút, huy động trí tuệ của đội ngũ công chứng viên, chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể về chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, góp phần thiết thực triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi sổ quốc gia”.
Phó Thủ tướng lưu ý, Hiệp hội chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan của Hiệp hội, các Hội công chứng viên ở địa phương theo hướng khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, đảm bảo thông suốt, thông nhất.
Ngoài ra, Hiệp hội cần có giải pháp cụ thể để đảm bảo tối đa quyền, lợi ích chính đáng của hội viên; phối hợp với Bộ Tư pháp tập trung phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Hội đồng Công chứng viên nhiệm kỳ 2, các thành viên trong Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, thể hiện rõ vai trò tiên phong trong quy tụ, tập hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng công chứng viên toàn quốc.