Sáng 24/8, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử với bị cáo Trương Phong Hiền (Hiền “kháp”, SN 1980, ngụ quận Thốt Nốt, Tp. Cần Thơ) và Châu Ngọc Thưởng (SN 1985, ngụ thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) về tội giết người.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 18 giờ 30 ngày 30/5/2013, nhóm Trần Ngọc Tuấn (9 Ngón) kéo đến quán karaoke ở khu vực Long Thạnh 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), do Chế Thị Lệ Trinh làm chủ để hát. Phát sinh mâu thuẫn từ việc Tuấn chê dàn âm thanh của quán dở, Chế Thị Lệ Trinh đã chỉ đạo đàn em chém Tuấn gây thương tích.
Bị cáo Hiền và Thưởng tại phiên xét xử
Sau khi được đưa đi cấp cứu, Tuấn gọi điện báo cho Trương Phong Hiền (anh em cô cậu ruột với Tuấn) biết sự việc. Hiền “kháp” gọi điện thoại cho Châu Ngọc Thưởng cùng vài người nữa tập hợp đàn em đi trả thù cho Tuấn.
Sau khi triệu tập hơn 50 anh em, đội quân giang hồ mang theo hàng trăm mã tấu, dao, gậy gộc, xăng,… kéo đến nhà của Chế Thị Lệ Trinh (khu vực Long Thạnh 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) để báo thù.
Tuy nhiên, Chế Thị Lệ Trinh không có nhà nên cả bọn đứng bên ngoài giật rào đồng thời la ó, chửi thề. Lúc này một đối tượng phát hiện Chế Hoàng Việt (em của Trinh) và Tô Văn Tuấn Em (bạn Việt) đang ở nhà đối diện. Cả nhóm xông vào đập phá cửa, đồ đạc và tấn công quyết liệt làm Việt và Tuấn Em bị thương nặng, bất tỉnh. Cho đến khi có người hô “Công an tới” thì tất cả bỏ chạy. Việt và Tuấn Em được đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết.
Tại phiên tòa hôm nay, Hiền một mực cho rằng mình bị bức cung, đồng thời bị cáo cho rằng mình không hề kêu gọi đàn em đi báo thù cho Tuấn. Là do các đối tượng tự động kéo nhau đi theo.
Tòa nhận định, các bị cáo có liên quan đều khai nhận do Hiền “ kháp” kêu đi. Bản thân Hiền đã viết giấy nhận tội và tại biên bản hỏi cung cũng đã khai nhận rằng đã điện thoại cho đàn em kêu đi chém trả thù. Qua đó cho thấy Hiền là người đóng vai trò xúi giục, kích động, tổ chức đi phạm tội. Do đó HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo.
Tại phiên tòa xét xử, Thưởng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đồng thời mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Còn bị cáo Trương Phong Hiền một mực cho rằng mình bị oan trong việc “tập hợp” anh em đi trả thù.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên y án sơ thẩm mức án 20 năm tù giam đối với bị cáo Trương Phong Hiền về tội giết người, chấp nhận kháng cáo của bị cáo Châu Ngọc Thưởng do gia đình có công với cách mạng, nhận huy chương kháng chiến và tuyên phạt 10 năm tù đối với bị cáo Thưởng cùng về tội giết người.