“Đại án” Huyền Như và đồng phạm: Các luật sư VietinBank phản pháo lại yêu cầu đòi bồi thường

Văn Vũ| 30/12/2014 15:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phần tranh luận của mình, luật sư Nguyễn Văn Trung bảo vệ cho VietinBank cho rằng:

Đại diện VKS chỉ đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của 5 công ty và hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của họ để điều tra, truy tố lại Huyền Như về tội tham ô, chứ không phải đề nghị chấp thuận yêu cầu của các đơn vị này đòi VietinBank bồi thường cho họ trong vụ án này.

Sáng ngày 30/12, phiên tòa phúc thẩm “đại án” Huyền Như và đồng phạm tiếp tục phần đối đáp.

“Đại án” Huyền Như và đồng phạm: Các luật sư VietinBank phản pháo lại yêu cầu đòi bồi thường

Luật sư Nguyễn Văn Trung hỏi đáp

Trước khi đi vào phần đối đáp, luật sư Nguyễn Văn Trung bảo vệ cho VietinBank cho biết, tôi đã hết sức chăm chú lắng nghe ý kiến của đại diện VKS, các luật sư đã tạo cơ hội cho tôi được phát biểu lần thứ hai. Trước hết tôi xin bảo lưu toàn bộ ý kiến tôi đã phát biểu tranh luận vì trong đó tôi đã trình bày toàn bộ bản chất sự việc, chứng cứ chứng minh.

Phản biện lại ý kiến của các luật sư bảo vệ cho ACB, luật sư Trung cho rằng, ý kiến của luật sư ACB cho rằng, luật sư bảo vệ cho VietinBank khi việc VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra truy tố Huyền Như về tội tham ô tài sản là vi phạm tố tụng hình sự, có nghĩa là các luật sư đã bảo vệ quyền lợi cho Huyền Như chứ không phải VietinBank.

Luật sư Trung cho rằng, nhận xét này là không chính xác. Bởi lẽ, đề nghị của đại diện VKS hủy bỏ một phần bản án sơ thẩm nhằm truy tố Huyền Như về tội tham ô tài sản là nhằm buộc trách nhiệm VietinBank phải bồi thường cho các nguyên đơn dân sự, nghĩa là liên quan trực tiếp quyền lợi VietinBank và vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự. Chúng tôi nêu lên việc này là nhằm bảo vệ VietinBank, mà trước hết là bảo vệ pháp luật tố tụng hình sự, chứ không bảo vệ Huyền Như. Trong khi đó, ACB là nguyên đơn dân sự nhưng lại kháng cáo yêu cầu hủy án để truy tố Huyền Như về tội tham ô tài sản là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Tiếp đó, luật sư Trung phân tích phản biện lại về các ý kiến đối với khiếu nại ACB về tư cách tham gia tố tụng của người đại diện VietinBank; về các sai phạm của ACB; về ý kiến của ACB phân tích các sai phạm của VietinBank…

Đối đáp với ý kiến của đại diện VKS, luật sư Trung đồng ý với quan điểm của đại diện VKS là phải xác định sự thật và bản chất của vụ án, không thể cắt xén theo ý chí chủ quan, chỉ nói ngọn mà không nói gốc.

Luật sư Trung viện dẫn quan điểm của VKS là chỉ đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của 5 công ty, hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của họ để điều tra, truy tố lại Huyền Như về tội tham ô, chứ không phải đề nghị HĐXX chấp thuận yêu cầu của các đơn vị này đòi VietinBank bồi thường cho họ trong vụ án này như có luật sư đã nhầm lẫn nêu ra. Để phản biện cho ý kiến này, luật sư Trung đã công bố kết luận tại bản kết luận điều tra bổ sung số 03 ngày 24/6/2013 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về nhận định đối với việc tách vụ án. 

Luật sư Trung cũng tập trung phân tích làm rõ những quan điểm của đại diện VKS về những giao dịch trước khi mở tải khoản của các nguyên đơn dân sự trong vụ án; về các hợp đồng tiền tiền gửi và ủy thác đầu tư; về thiệt hại; về việc đại diện VKS đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến 1.085 tỷ đồng của 5 công ty để điều tra truy tố Như về tội tham ô tài sản và buộc VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại…

Sau khi phân tích đưa ra chứng cứ, cơ sở pháp lý chứng minh, luật sư Trung đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn dân sự và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tương tự, bảo vệ cho VietinBank, luật sư Trương Thị Hòa bảo lưu quan điểm bảo vệ và phản biện lại 6 ý kiến của luật sư bảo vệ cho Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu. Luật sư Trương Văn Tám bảo lưu quan điểm bảo vệ và phản biện lại ý kiến của đại diện VKS và Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông.

Luật sư Lê Hồng Nguyên bảo lưu quan điểm bảo vệ. Bên cạnh đó, luật sư Nguyên còn cho rằng, phần lập luận của đại diện VKS khi nhận định về số tiền Huyền Như chiếm đoạt đối với 5 công ty và 2 ngân hàng lại có lập luận khác nhau, trái ngược nhau.

Tiếp đó, luật sư Nguyên đưa ra chứng cứ chứng minh Công ty An Lộc mở tài khoản để cho khách hàng khác mượn. Lý do cách đặt vấn đề của đại diện VKS khác nhau. VKS xét tận cùng của vấn đề đây là tiền của ACB, NaviBank, còn đối với 5 công ty thì không xem xét tận gốc vấn đề.

Luật sư Nguyễn Thị Bắc bảo lưu toàn bộ quan điểm, phản bác ý kiến của luật sư SBBS, ACB.

Tranh luận bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn, luật sư Phan Trung Hoài đặt vấn đề nguyên nhân vì sao Huyền Như có thể chiếm đoạt được hàng ngàn tỷ đồng? Việc này các cơ quan tố tụng đã làm rõ. Tuy nhiên, các quan tố tụng không giải đáp được nguồn chứng cứ chứng minh đồng phạm Võ Anh Tuấn giúp sức Huyền Như chiếm đoạt tiền của 3 Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên. Luật sư Hoài cho rằng, các dấu hiệu qui buộc Võ Anh Tuấn như quan điểm của đại diện VKS thì thể hiện có dấu hiệu che dấu tội phạm.

Luật sư Hoài đồng quan điểm của đại diện VKS về thiệt hại của Công ty Thái Bình Dương từ 80 tỷ đồng còn 22 tỷ đồng, nên xem đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Tuấn.

Sau khi phân tích đưa ra căn cứ pháp lý, tình tiết giảm nhẹ, luật sư Hoài đề nghị HĐXX cân nhắc về hành vị phạm tội của bị cáo Võ Anh Tuấn.

Bào chữa cho các bị cáo Phạm Thị tuyết Anh, Hoàng Hương Giang, Bùi Tố Quyên  phạm tội theo Điều 179 BLHS, luật sư Hoài giữ nguyên quan điểm đã bào chữa.

Theo luật sư Hoài, các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm, đặc biệt, VKSNDTC chưa xác định một cách rõ ràng hành vi khác là hành vi gì? Cho đến hiện nay không có câu trả lời chính xác để xác định được hành vi khác. Việc đại diện VKS đối đáp viện dẫn là BLDS, Luật các tổ chức tín dụng, các văn bản quy phạm pháp luật khác… tại phiên toàn phúc thẩm là làm hạn chế quyền tự bảo vệ gây khó khăn cho luật sư khi bênh vực cho bị cáo, đáng lẽ luận điểm hôm qua của VKS phải được đưa vào làm căn cứ trong cáo trạng.

Tiếp đó, luật sư Hoài tập trung phân tích về tội danh; về hậu quả…  Luật sư cho rằng, các bị cáo không gây hậu quả cho VietinBank nhưng với sự nới rộng biên độ như cấp sơ thẩm sẽ ảnh hưởng đến các bị cáo. Đồng thời đi ngược lại với nguyên tắc suy đoán vô tội.

Luật sư Hoài thừa nhận là các bị phạm tội nhưng lỗi vô ý, bị động do Huyền Như chủ động lừa đảo.

Sau khi phân tích, viện dẫn căn cứ pháp lý, luật sư Hoài đề nghị HĐXX xem xét cân nhắc cho các bị cáo.

Tương tự, bào chữa bị cáo Đoàn Lê Du, luật sư Phan Hồng Việt đồng ý quan điểm bào chữa tranh luận của luật sư Phan Trung Hoài. Đồng thời, luật sư Việt cũng đồng tình quan điểm của đại diện VKS thừa nhận trong pháp luật hình sự chưa liệt kê, qui định hết tất cả các hành phạm tội.

Tuy nhiên, việc đại diện VKS viện dẫn và áp dụng BLDS, Luật các tổ chức tín dụng, thông tư, quy chế qui định về hoạt động tín dụng… xác định hành vi phạm tội của các theo Điều 179 BLHS. Luật sư Việt cho rằng, cần nhìn nhận thực tế là BLHS liệt kê được hành vi nào thì cũng đã liệt kê rồi. Mà cụ thể, với Điều 179 BLHS đã liệt kê được 2 hành vi cụ thể trong điểm a, b. Với hành vi khác, đề nghị HĐXX xem xét thêm hành vi khác này khác với tội danh khác. Trong BLHS, chỉ có 10 tội danh là có hành vi khác. Các hành vi khác trong số 9/10 tội danh luôn gắn liền với tội danh, trong đó chỉ có điều 179 là “hành vi khác” gắn với hành vi khác vi phạm quy định pháp luật về cho vay trong tổ chức tín dụng. quan điểm của đại diện VKS áp dụng các văn bản đã nêu để qui buộc các bị cáo, trong đó có bị cáo Du là không có cơ sở. Luật sư Việt đồng ý quan điểm về hành vi khác của luật sư Phan Trung Hoài.

Sau khi phân tích về hậu quả thiệt hại phải mang tính nhân quả, luật sư Việt bảo lưu quan điểm bào chữa. Đồng thời, đề nghị hủy bản án sơ thẩm liên quan đến bị cáo Du để điều tra xét xử lại theo lỗi vô ý.

Chiều nay 30/12, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục phần đối đáp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đại án” Huyền Như và đồng phạm: Các luật sư VietinBank phản pháo lại yêu cầu đòi bồi thường