Mỗi dịp xuân về, vùng đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) lại rộn ràng với Lễ hội Tiên Công hay còn gọi là lễ “rước người” - nhằm tưởng nhớ công lao khai hoang, lập đất của các bậc tiền nhân.
Đặc biệt, lễ hội còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi tổ chức rước các cụ thượng thọ lên miếu Tiên Công để thực hiện nghi lễ tri ân tổ tiên, thể hiện tinh thần kính trọng người cao tuổi.
Năm 2025, lễ hội kỷ niệm 591 năm ngày các Tiên Công đặt chân khai phá vùng đảo Hà Nam (1434 – 2025), đánh dấu một chặng đường dài của truyền thống văn hóa và lịch sử. Không chỉ là một sự kiện tín ngưỡng quan trọng, lễ hội còn là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động quảng bá du lịch văn hóa của Quảng Ninh, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.
Lễ hội Tiên Công diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng âm lịch, nhưng đặc sắc nhất là nghi thức rước các cụ cao niên vào ngày mùng 7 tại Miếu Tiên Công, xã Cẩm La.
Trong không khí trang nghiêm, những cụ ông, cụ bà tròn 80, 90 và 100 tuổi được con cháu cung kính rước trên những chiếc võng đào, tiến về miếu để thực hiện nghi lễ dâng tổ tiên.
Năm nay, có 36 cụ thượng thọ từ các phường Yên Hải, Phong Cốc, Phong Hải được rước lên miếu, đánh dấu lần đầu tiên lễ hội áp dụng hình thức rước tập thể thay vì rước riêng lẻ theo từng hộ gia đình.
Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tạo nên một không khí gắn kết, cộng đồng, lan tỏa giá trị truyền thống một cách mạnh mẽ hơn.
Năm nay còn có hai cụ tròn 100 tuổi được rước lên miếu, trong đó có cụ Lê Đức Khánh (100 tuổi, phường Phong Hải).
Cụ xúc động nói: “Dòng họ Lê của tôi có lịch sử lâu đời tại đảo Hà Nam, gắn liền với công cuộc khai hoang của các Tiên Công. Lễ hội này không chỉ là dịp tri ân tổ tiên mà còn giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về cội nguồn, truyền thống gia đình.”
Miếu Tiên Công là nơi thờ phụng 17 vị Tiên Công, những người đã cùng gia đình di cư từ Thăng Long và Nam Định vào thế kỷ XV, xuôi theo sông Hồng ra cửa sông Bạch Đằng, dần dần khai phá vùng đất mới, lập nên đảo Hà Nam trù phú ngày nay.
Theo ông Nguyễn Thế Nhâm, Chủ tịch UBND phường Phong Cốc, năm nay địa phương có 32 cụ thượng, trong đó 20 cụ 80 tuổi, 12 cụ 90 tuổi, nhưng chỉ 11 cụ được rước lên miếu theo hình thức tập thể.
Việc rước chung giúp giảm chi phí đáng kể, khi thông thường mỗi hộ gia đình tổ chức riêng có thể tốn đến 150-200 triệu đồng.
Tương tự, ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch thị xã Quảng Yên, cho biết năm 2025 có gần 200 cụ thượng thọ, nhưng do sức khỏe chỉ có 35 cụ được rước lên miếu.
Ông nhấn mạnh: “Việc tổ chức rước tập thể thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với truyền thống tôn vinh người cao tuổi, đồng thời giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội”.
Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh và lịch sử, lễ hội Tiên Công còn là biểu tượng cho truyền thống tôn vinh người cao tuổi, một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, khẳng định vị thế và tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống văn hóa của người dân Quảng Yên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Một số hình ảnh đặc sắc tại lễ hội Tiên Công được PV Báo Công lý ghi nhận: