Đã tìm được bé sơ sinh bị bắt cóc tại Bệnh viện phụ sản

congly.com.vn| 13/04/2012 11:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công an Tp. Hà Nội cho hay, vào hồi 15h15 chiều nay 8-11, lực lượng Công an đã bắt được đối tượng đã đánh cắp cháu bé 2 ngày tuổi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương hôm 3-11 khi đối tượng đang lẩn trốn tại Vân Hà, huyện Đông Anh.

Tìm thấy cháu bé sau 5 ngày “mất tích”

Sau khi nhận được tin, hàng trăm bác sĩ, y tá cùng người nhà của cháu bé đã đứng sẵn tại cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương để chờ lực lượng Công an đưa cháu về, giao lại cho gia đình. Đặc biệt, mẹ của cháu bé - sản phụ Trần Thị Thơm cũng có mặt để chuẩn bị đón đứa con mà chị đứt ruột sinh ra.

Sau 5 ngày bị bắt cóc, bé sơ sinh được giải cứu, đưa trở lại bệnh viện trong tình trạng khỏe mạnh.

Chị Thơm, mẹ bé sơ sinh bị bắt cóc (giữa) được dìu ra sân chờ đón con.

Hàng trăm người chờ đón bé Trường tại bệnh viện Phụ sản chiều 8-11

Như vậy, hơn 5 ngày sau khi cháu Phạm Xuân Trường bị bắt cóc, cơ quan Công an xác định, cháu bé được phát hiện cùng đối tượng chính là con của sản phụ Thơm. Lực lượng chức năng đã trao trả cháu bé về với gia đình để chăm sóc do cháu bé còn quá nhỏ.

Trước đó, ngày 7-11, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có buổi làm việc với người nhà cháu Trường để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong vụ việc này.

Phần lớn những người nhà anh Chiều, chị Thơm (bố mẹ của cháu bé) chỉ mong mỏi bệnh viện phối kết hợp với các cơ quan chức năng sớm tìm ra cháu bé, trả lại cho gia đình. Tuy sự thương xót hiển hiện trong từng khuôn mặt, nhưng tuyệt nhiên không có một lời nói, hành động thiếu kiềm chế nào xảy ra từ phía gia đình anh Chiều.

Khi biết tin gia đình chị Thơm gặp chuyện chẳng lành, cán bộ giáo viên trường THCS Đồng Than (Yên Mỹ, Hưng Yên), nơi chị Thơm công tác, đã tổ chức lên thăm hỏi, động viên gia đình.

Tại buổi gặp, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện, đã chính thức đưa ra lời xin lỗi và nhận một phần trách nhiệm của Bệnh viện trong vụ việc này.

Bài học sau vụ việc hy hữu

Liên quan đến câu hỏi của nhiều người thân cháu Trường, trách nhiệm thuộc về ai trong vụ việc này? Bác sĩ Tuyết Lan (Trưởng khoa sản 2) giải trình: “Do bệnh viện có 4 cửa ra vào, tất cả các cán bộ, nhân viên bệnh viện đều có chìa khóa để tiện bề di chuyển khi có ca cấp cứu nên khó quản lý được. Lúc đó lại đến giờ thăm bệnh nhân, nên cửa không được khóa…”.

Nhưng bà Trần Thị Nga, người nhà của chị Thơm lại quả quyết: Lúc vị “bác sĩ” đến bế cháu Trường bảo đi xét nghiệm là 10 giờ 15 phút, chưa đến giờ thăm nên người ngoài không ai vào được.

Chị Thơm cũng khẳng định: “Khoảng 10 giờ 15 phút, có một đối tượng mặc quần áo bác sĩ vào phòng yêu cầu tôi giao cháu Trường để mang đi tắm và xét nghiệm, nhất định không cho người nhà đi theo”.

Qua tìm hiểu, từ nhiều năm nay, Bệnh viện Phụ sản Trung ương không có quy định kiểm tra giấy tờ đối với trẻ ra viện. Nhiều gia đình có thể tự do đưa con em mình về bất kể lúc nào, tùy theo giờ mà họ cho là “giờ đẹp”. Nhiều gia đình còn đánh cả ôtô vào tận cầu thang bệnh viện để đón sản phụ và trẻ sơ sinh, có khi đến vài ngày sau họ mới quay lại làm thủ tục xuất viện.

Luật sư Cao Bá Chung, Công ty Luật Hợp danh INCIP, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình chị Thơm, cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra vụ việc đáng tiếc này là các y bác sĩ trong ca trực ngày 3-11 tại phòng 6, tầng 6, nhà G của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã thiếu trách nhiệm để một người lạ mặt được vào phòng sản phụ trong khoảng thời gian cấm thân nhân thăm hỏi. Vụ việc là một bài học lớn cho công tác quản lý tại các bệnh viện phụ sản hiện nay.

Trung Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã tìm được bé sơ sinh bị bắt cóc tại Bệnh viện phụ sản