Giữa lòng thành phố đáng sống, vẫn còn những "phòng khám" mượn danh y học để dựng vở kịch lừa dối, biến bệnh nhân thành nạn nhân trong những màn diễn được đạo diễn bài bản. Nhưng sự thật dù muộn thì vẫn có những người bảo vệ nó. Họ lặng thầm đi vào trung tâm của bóng tối, để kéo lại một chút ánh sáng công lý cho những số phận bị tổn thương.
Vòng xoáy của chiếc áo blouse
Cứ ngỡ sau hàng loạt vụ phòng khám “vẽ bệnh” bị xử lý, những kẻ làm ăn gian dối sẽ e dè, chùn tay. Nhưng không, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng với cái tên gợi lên sự tin cậy, lại bước tiếp theo một cách khác không chụp giật, mà tính toán; không phô trương, mà tinh vi đến lạnh lẽo.
Thay vì cảnh lộn xộn như chợ thuốc, nơi đây đầu tư chỉn chu từ biển hiệu phát sáng đến phòng tiếp đón sạch sẽ, từ “đội ngũ bác sĩ” ăn mặc lịch thiệp đến giọng nói nhỏ nhẹ “tư vấn tận tâm”. Cộng thêm vài clip quảng bá “chuẩn quốc tế” với hình ảnh bóng bẩy và thế là chiếc bẫy mang tên “niềm tin” được giăng ra một cách hoàn hảo.
Nhưng họ không chữa bệnh, họ đang diễn kịch. Một vở kịch không thiếu vai từ người khám, người xét nghiệm, người đọc kết quả, đến cả người chuyên gieo rắc nỗi sợ. Mỗi bệnh nhân bước vào, dù chỉ là viêm nhẹ hay rối loạn tiêu hóa thông thường, cũng lập tức trở thành “nhân vật chính” trong một kịch bản đã được lập trình sẵn. Bệnh càng nhẹ, kịch bản càng nặng. Một ca cắt bao quy đầu dao động từ 30 đến 50 triệu đồng. Hay những lời cảnh báo rập khuôn “Tổn thương nội mạc tử cung nghiêm trọng, cần xử lý ngay kẻo ảnh hưởng sinh sản!” được lặp đi lặp lại như đòn tâm lý khiến bệnh nhân hoảng loạn mà gật đầu ký giấy.
Đáng sợ nhất không nằm ở giá tiền. Nó nằm ở chỗ những người trực tiếp cầm dao, tiêm thuốc, làm thủ thuật… không phải là bác sĩ. Không bằng cấp, không chứng chỉ hành nghề, có người thậm chí chưa học hết phổ thông. Vậy mà vẫn mặc blouse trắng, vẫn đứng giữa phòng khám, vẫn đẩy người bệnh lên bàn thủ thuật như thể đang… diễn trọn vai người thầy thuốc.
Bệnh nhân đau đớn? Lo lắng? Chính lúc ấy, một kịch bản mới được đưa ra như ép bệnh nhân nâng gói dịch vụ, hù dọa biến chứng, tăng liều điều trị. Và những tiếng rên rỉ yếu ớt vang lên giữa bốn bức tường phòng khám thay vì được lắng nghe thì lại trở thành nền âm thanh cho một vở diễn lừa đảo được đạo diễn từng chi tiết.
Một cú lừa tinh vi khoác áo y đức. Một chiếc áo blouse tưởng chừng cao quý, nhưng lại đang bị sử dụng như công cụ trục lợi trắng trợn.
Những bước chân lặng lẽ tìm lại công lý
Không rầm rộ, không ồn ào, chỉ có những bước chân bền bỉ len lỏi giữa những ngóc ngách của sự thật và sự giả dối. Những cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Đà Nẵng đã lần theo từng vết nứt mờ của tấm biển “Phòng khám quốc tế” để bóc trần vở kịch xảo trá ấy.
Một tổ công tác đặc biệt được thành lập, những cán bộ ấy ngồi cùng những bệnh nhân còn run rẩy khi kể lại câu chuyện bị “hù dọa” để móc túi. Họ âm thầm thu thập từng chứng cứ, từng sơ hở trong cách thức “đối phó đoàn kiểm tra” của phòng khám: hễ có động tĩnh, “bác sĩ giả” lập tức được lùa xuống tầng hầm qua lối thoát hiểm. Đổi chỗ cho vài “bác sĩ thật” cầm chừng một lát… rồi lại biến mất.
Thủ đoạn tinh vi đến mấy, cũng không thể qua được sự kiên trì của những người lính hình sự. Dẫu đối tượng liên tục tố cáo ngược, vu khống, thậm chí dùng truyền thông mạng để tạo dư luận trái chiều nhưng những cán bộ, chiến sĩ vẫn lặng lẽ thu thập chứng cứ, bằng cái tâm, bằng bản lĩnh của người gác cổng niềm tin.
Ngày 15/7/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng chính thức khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về hành vi “lừa dối khách hàng”. Trong đó, 4 người bị bắt tạm giam, 3 người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Những cái tên như Nguyễn Thị Mỵ, Nguyễn Kim Hoàng Yến, Lê Thị Nhung, Trương Thị Hạ Liên… không còn núp bóng dưới chiếc áo blouse giả nữa. Những “bác sĩ không bằng” từng dọa nạt người bệnh nay bị lột mặt nạ trước công lý.
Vụ án hình sự này không đơn thuần chỉ là chuyện của vài “bác sĩ rởm”, nó là tấm gương phản chiếu một mảng tối trong ngành y, nơi lòng tham đã vượt qua lằn ranh đạo đức, nơi áo trắng không còn tượng trưng cho sự cứu rỗi.
Phía sau mỗi bản kết luận điều tra là hàng chục bệnh nhân đã từng rơi nước mắt vì bị ép mổ, ép cắt, ép điều trị... Nhưng giờ đây, những tiếng khóc ấy không còn vang lên trong vô vọng. Bởi đã có những con người lặng thầm và kiên cường đứng về phía họ, giữ lại một khoảng sạch cho ngành y, và trao lại niềm tin cho người dân thành phố bên bờ sông Hàn.