Cựu Tổng thống Pakistan và Tổng tư lệnh Bộ tham mưu của Quân đội Pakistan Pervez Musharraf đã bị kết án tử hình vắng mặt vì tội phản quốc sau vụ kiện pháp lý kéo dài 6 năm.
Một tòa án đặc biệt gồm ba thành viên ở Islamabad hôm thứ Ba đã kết án Musharraf vi phạm hiến pháp bằng cách tuyên bố bất hợp pháp tình trạng khẩn cấp trong khi ông nắm quyền, trong một vụ án từ năm 2013.
Musharraf (trái) tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tại Ismalabad, Pakistan ngày 20 tháng 6 năm 2001
Cựu lãnh đạo 76 tuổi, người đã sống lưu vong ở Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong hơn 3 năm, vẫn có quyền lựa chọn để kháng cáo bản án.
Musharraf lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự năm 1999 và trở thành Tổng thống Pakistan cho đến năm 2008.
Ông đã bị truy tố vào năm 2014 với ba tội gồm lật đổ, đình chỉ và thay đổi hiến pháp của đất nước, sa thải chánh án của Pakistan và áp dụng luật lệ khẩn cấp.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Pakistan, một thủ lĩnh quân đội bị đưa ra xét xử và bị kết tội phản quốc. Theo hiến pháp của Pakistan, tội phản quốc cao là một tội phải chịu mức án tử hình hoặc tù chung thân.
Tòa án đặc biệt đã đưa ra phán quyết án tử hình với hai trong số ba thẩm phán đồng ý, một thẩm phán đã đề nghị mức án khác.
Musharraf đã sống ở Dubai từ năm 2016 sau khi Tòa án Tối cao Pakistan dỡ bỏ lệnh cấm du lịch cho phép ông rời khỏi đất nước để tìm kiếm sự điều trị y tế. Từ giường bệnh tại Dubai hồi đầu tháng này, cựu lãnh đạo đã nói trong một tuyên bố bằng video rằng ông vô tội và việc buộc ông tội phản quốc là "vô căn cứ".
Musharraf tại một cuộc họp báo ở London năm 2010
Musharraf trước đó đã phải sống lưu vong vào năm 2008, trở lại Pakistan vào năm 2013 với mục đích tham gia các cuộc bầu cử quốc gia của đất nước. Nhưng kế hoạch của Musharraf bị hỏng khi ông bị vướng vào một loạt các vụ kiện liên quan đến thời gian nắm quyền của mình.
Năm 2007, Musharraf tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đình chỉ hiến pháp Pakistan, thay thế Chánh án và ngăn cản hoạt động của các hãng truyền hình độc lập.
Musharraf cho biết ông đã làm như vậy để ổn định đất nước và chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy. Hành động này đã thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và những người ủng hộ dân chủ. Người Pakistan công khai kêu gọi loại bỏ ông.
Dưới áp lực của phương Tây, Musharraf sau đó đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và tổ chức cuộc bầu cử mà đảng của ông Musharraf là PML-Q thất thế và đảng Nhân dân Pakistan (PPP) nắm giữ quyền lực. Tháng 8 cùng năm, ông Musharraf từ chức tổng thống và chủ tịch PPP là ông Asif Ali Zardari là người kế nhiệm.
Musharraf từ chức vào tháng 8 năm 2008 sau khi liên minh cầm quyền bắt đầu thực hiện các bước để luận tội ông. Các công tố viên cho biết Musharraf đã vi phạm hiến pháp của Pakistan bằng cách áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Năm 2010, ông Musharraf thành lập đảng mới có tên All Pakistan Muslim League (APML). Tuy nhiên đảng này không nhận được nhiều ủng hộ từ cử tri Pakistan.
Năm 2013, ông Nawaz Sharif trở thành Thủ tướng Pakistan và từ đây quá trình tố tụng ông Musharraf vì tội phản quốc bắt đầu diễn ra.
Tháng 3/2016, ông Musharraf rời Pakistan để đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sau khi được Tòa án Tối cao cho phép xuất cảnh để điều trị bệnh. Ông Musharraf cam kết sẽ trở lại sau vài tuần hoặc vài tháng. Từ đó đến nay ông ta chưa hề quay trở lại Pakistan.
Với phán quyết vào ngày 17/12, ông Musharraf là cựu lãnh đạo quân đội đầu tiên trong lịch sử Pakistan bị tuyên án tử hình vì chiếm quyền lực trái phép.