Sau thời gian xét xử và nghị án kéo dài, sáng 27/10, HĐXX sơ thẩm TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên án đối với 22 bị cáo vi phạm quy định xây dựng gây thiệt hại 460 tỉ đồng cho Nhà nước tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tám (cựu Tổng giám đốc Tổng Công ty VEC) 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và 30 tháng tù tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội danh bị cáo này phải chấp nhận án phạt là 5 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó TGĐ Tổng Công ty VEC) nhận mức án 4 năm tù và bị cáo Lê Quang Hào (cựu Phó TGĐ Tổng Công ty VEC) nhận án 2 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 24 tháng cho hưởng án treo đến 6 năm tù theo đúng tội danh như đã truy tố.
Vừa thông xe đã hư hỏng
Theo HĐXX, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư có tổng chiều dài gần 140km. Trong đó, giai đoạn 1 dài 65km từ TP. Đà Nẵng tới TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), thông xe tháng 8/2017, gồm 8 gói thầu. Giai đoạn 2 dài hơn 74km, từ Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, thông xe tháng 9/2018, gồm 5 gói thầu.
Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và do Tổ chức tư vấn CDM Smith Inc của Mỹ thực hiện giám sát thi công. Phụ trách thi công đều là những tập đoàn lớn của nước ngoài gồm Lotte E&C, Posco E&C (Hàn Quốc); Shandong Luquao Group - Sơn Đông, Jiangsu Provincial - Giang Tô (Trung Quốc).
Việc chỉ dẫn kỹ thuật do liên danh các nhà thầu Nippon Koei - Nippon Engineering (Nhật Bản) - Chodai và Thai Engineering (cùng từ Thái Lan) thực hiện khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán.
Nhưng khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông. Các vi phạm tại giai đoạn 1 dài 65km đã được xử lý với 36 bị cáo. Giai đoạn 2 của vụ án, có 22 bị cáo bị đưa ra xét xử.
Các bị cáo là lãnh đạo thuộc chủ đầu tư dự án, Ban QLDA, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã có nhiều sai phạm dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng.
Các bị cáo nhà thầu chịu trách nhiệm
Trên cơ sở hồ sơ tài liệu có trong vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo, người liên quan…, HĐXX nhận thấy cáo trạng truy tố các bị cáo về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Việc đưa bị cáo ra xét xử và có hình phạt tương xứng là cần thiết.
Theo HĐXX, nhà thầu là đơn vị thi công xây dựng, tạo ra công trình, dù tư vấn giám sát và chủ đầu tư có lỗi cũng không làm giảm trách nhiệm của nhà thầu thi công.
Tư vấn giám sát là bên giám sát công trình thay chủ đầu tư nhằm đảm bảo công trình đúng chất lượng. Để xảy ra sai phạm thiệt hại trong vụ án, trách nhiệm đầu tiên là các bị cáo ở nhà thầu thi công, rồi đến tư vấn giám sát và các bị cáo khác.
Xét các bị cáo đều là người làm công ăn lương, không có hưởng lợi cá nhân, đều ăn năn hối cải, công trình không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn đang được khai thác, chủ đầu tư cũng thu được phí nên áp dụng các quy định giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho các bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự, quá trình tổ chức thi công, các đơn vị liên quan đều không tuân thủ quy định xây dựng, giám sát công trình dẫn đến chất lượng không đảm bảo.
Thực tế các hạng mục không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được nghiệm thu thanh toán với tổng số tiền 460 tỉ đồng.
Theo quy định, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do lỗi mà người của pháp nhân gây ra. Do đó cần phải buộc các nhà thầu bồi thường cho chủ đầu tư.
Từ lập luận trên, Tòa buộc Tổng công ty Xây dựng số 1 CC1 phải bồi thường hơn 47 tỉ đồng, Tập đoàn Sơn Đông (Trung Quốc) phải bồi thường 129 tỉ đồng, Tập đoàn Giang Tô (Trung Quốc) phải bồi thường 85 tỉ đồng, Lotte E&C (Hàn Quốc) là 127 tỉ đồng, Posco là 71 tỉ đồng.
Dành quyền yêu cầu bồi hoàn đối với các bị cáo cho các nhà thầu, nếu cần thiết thì giải quyết trong vụ án dân sự khác.
Về các ngân hàng đã phát hành bảo lãnh, trường hợp nhà thầu không bồi thường, VEC có quyền yêu cầu các ngân hàng thực hiện bảo lãnh, nếu có tranh chấp thì sẽ giải quyết trong vụ án khác.