Nam thanh niên 26 tuổi ở Bạc liêu được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng con dao cắm vào cột sống ngực, liệt chân phải.
Ngày 14/3, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh vừa phẫu thuật thành công lấy con dao đâm sâu xuyên một phần cột sống của nạn nhân.
Bệnh nhân là anh H.S.L. (26 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 9h10 ngày 9/3 với vết thương 2cm, vẫn còn nguyên con dao Thái Lan cắm vào giữa thành ngực sau, không rõ độ sâu, liệt chân bên phải, các chi còn lại sức cơ 5/5.
Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Cấp cứu tiến hành sơ cứu vết thương, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết và liên hệ hội chẩn chuyên khoa Ngoại thần kinh, Chấn thương chỉnh hình. Kết quả X-quang và chụp cắt lớp vi tính ghi nhận vật kim loại xuyên giữa cột sống ngực.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật và thám sát vết thương tủy sống. Ê-kíp phẫu thuật đã dùng kiềm rút chiếc dao ra khỏi lưng, làm sạch vết thương; đồng thời bóc tách cơ bộc lộ D3-D4-D5, bác sĩ thấy bản sống D4 bị nứt, tiến hành gặm cung sau D4, bộc lộ màng tủy thấy màng cứng rách một đoạn #0.2 cm.
Sau đó, bác sĩ đã dùng kính vi phẫu vá kín màng cứng bằng chỉ, đắp tăng cường chỗ vá bằng màng cứng nhân tạo, cầm máu kỹ đặt dẫn lưu theo dõi.
Ca phẫu thuật kéo dài đến 4 giờ và bác sĩ đã lấy thành công lấy con dao ra khỏi người bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết thương khô, chân phải nhận biết được cảm giác, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại thần kinh.
BS.CK2 Chương Chấn Phước - Trưởng khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện cho biết, vết thương tủy sống là một cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng, khi có tác động vật lý vào thân đốt sống, dây chằng, hoặc đĩa đệm cột sống, gây đụng dập, vỡ hoặc xé rách tủy sống, xuyên thấu tủy (ví dụ bị bắn hoặc đâm).
Các thương tích này cũng có thể gây tổn thương mạch máu dẫn đến thiếu máu cục bộ hoặc máu tụ (thường ở ngoài màng cứng), dẫn đến các tổn thương thứ phát. Tất cả các dạng chấn thương có thể gây phù tủy, làm giảm dòng máu và oxy đến tủy.
Theo các bác sĩ, trong tổn thương tủy sống xảy ra sự thiếu hụt về vận động, cảm giác hoặc phản xạ gân xương có thể tăng. Mất vận động và cảm giác có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương; chức năng có thể bị mất một thời gian ngắn do chấn động hoặc lâu hơn do đụng dập hoặc rách tủy.
Sự hồi phục của một số vận động hoặc cảm giác trong tuần đầu tiên sau tổn thương được ghi nhận một sự hồi phục thuận lợi. Các rối loạn chức năng còn lại sau 6 tháng có khả năng tồn tại vĩnh viễn.
Đối với bệnh nhân bị chấn thương, vết thương cột sống thì phương pháp sơ cứu đúng cách đặc biệt quan trọng nhằm hạn chế tối đa tổn thương hoặc để lại di chứng cho nạn nhân.
Bệnh nhân phải được cố định vùng tổn thương, đảm bảo tư thế cột sống được thẳng theo đường sinh lý trong quá trình vận chuyển đến cơ sở y tế, tốt nhất là nằm trên mặt phẳng có cố định hai bên cột sống.
Điều đặc biệt lưu ý là không được tùy tiện rút vật xuyên thấu ra khỏi vết thương tại hiện trường tai nạn hoặc ngay cả trong phòng cấp cứu, mà cần được đánh giá bằng các công cụ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp vi tính trước để có thể lường được mức độ tổn thương và các nguy cơ tai biến có thể xảy ra khi rút vật xuyên thấu và chỉ thực hiện lấy dị vật tại phòng mổ.
Trước khi mổ, vật đâm được giữ nguyên sẽ ngăn chảy máu. Cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, băng ép vết thương xung quanh và cố định vật đâm tốt nhất có thể rồi chuyển đến cơ sở y tế tuyến chuyên khoa nhanh nhất để được xử trí kịp thời và đúng phương pháp.