Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định không can thiệp vào quá trình thoái vốn của Sabeco

Mạnh Hùng| 23/04/2021 18:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (23/4), phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.

Theo đó, trong phiên toà chiều nay, luật sư đã đặt một số câu hỏi đối với bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương): Sau ngày 8/4/2016 bị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, ông còn điều hành Bộ Công thương không? Ông có dùng ảnh hưởng là bộ trưởng để điều hành, gây ảnh hưởng với Sabeco không?

52afe1b6-1266-4731-9663-5e698464c48f.jpeg
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Trước những câu hỏi trên của luật sư, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp: “Tại kỳ họp Quốc hội cuối cùng khóa 13 diễn ra vào cuối tháng 3, đến ngày 8-9/4/2016 thì tôi đã được Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công thương. Cùng ngày, Chủ tịch nước ký quyết định bãi nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công thương. Kể từ khi không còn làm việc theo quyết định bãi nhiệm tôi không hề tham gia công việc của bộ. Tôi chỉ chuẩn bị bàn giao tài liệu, tham gia các phiên họp cuối cùng liên quan đến nhân sự đó.

Tôi không có tác động, gây ảnh hưởng vì tôi không có vị thế gì để làm việc này. Tôi cũng không có động cơ, vụ lợi gì để làm việc này. HĐXX, luật sư có thể chất vấn Tổng công ty Sabeco, bộ phận quản lý vốn nhà nước (các thời ông Phan Đăng Tuấn, Võ Thanh Hà)".

Tiếp lời, bị cáo Vũ Huy Hoàng khai nhận, việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl là thực hiện chủ trương của Chính phủ về thoái vốn ngoài ngành và các nhà đầu tư yêu cầu bổ sung vốn điều lệ nhưng Sabeco không có khả năng tài chính. Mặt khác, Sabeco cũng thấy rằng tiếp tục triển khai dự án là không khả thi.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục giữ lời khai về cuộc họp ngày 31/3/2016 do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đi vắng nên bị cáo chủ trì. Đây không phải là cuộc họp thẩm định giá khởi điểm thoái vốn. Từ ngày 1/4/2016 trở đi, bị cáo không tham gia vào quá trình thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl (đơn vị triển khai dự án tại đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng).

Đến ngày 30/5/2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức. Quá trình thoái vốn kết thúc vào năm 2017. Bị cáo Hoàng khẳng định không can thiệp, không có ý kiến vào quá trình thoái vốn.

03094b39-931e-4f35-927b-87b1acc94a36.jpeg
Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Theo cáo trạng truy tố, tại cuộc họp ngày 29/3/2016 do bị cáo Vũ Huy Hoàng chủ trì, ông Võ Thanh Hà đã báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Chứng khoán ACB xác định giá Sabeco Pearl là 14.433 đồng/CP. Nhưng bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng đây là giá giả định trong tương lai khi khu đất có chức năng căn hộ ở và quyết định giá khởi điểm thoái vốn là 13.247 đồng/CP.

Cũng trong phần xét hỏi chiều nay, các luật sư hỏi thêm về CTCP Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Sabeco Pearl).

Theo đó, đại diện Công ty này cho biết, đến nay, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng chưa bổ sung chức năng nhà ở cho thuê. Hiện tại mới có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TP Hồ Chí Minh. Theo thông lệ, UBND TP Hồ Chí Minh xác định lại khoản thuế, phí. Chủ đầu tư đóng tiền chuyển đổi sử dụng mục đích sử dụng đất thì mới được bổ sung chức năng nhà ở cho thuê.

Ông Phan Đăng Tuất (cựu Chủ tịch HĐQT, thuộc bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco) trình bày về nguồn gốc khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng. Ông Tuất cho biết, lịch sử khu đất này rất phức tạp. Tại thời điểm được giao đất năm 2006 Bộ Công thương giao cho Sabeco quản lý, sử dụng khu đất. Nhưng trên tài sản sổ sách thì đây là tài sản nợ. “Chỉ khi nào Sabeco đóng tiền sử dụng đất (năm 2006 là hơn 1.200 tỷ đồng - pv) thì khu đất mới trở thành tài sản của Sabeco. Còn khu đất trên vẫn thuộc toàn quyền quyết định của UBND TPHCM”, ông Tuất trình bày.

Cũng tại tòa, các bị cáo thuộc UBND TP Hồ Chí Minh đã thừa nhận thiếu sót. Những sai phạm liên quan đến khu đất vàng trên khiến 10 người thuộc lãnh đạo, cán bộ Bộ Công thương và UBND TP Hồ Chí Minh “dính chàm”.

Cáo trạng xác định, việc UBND TP Hồ Chí Minh giao đất cho Sabeco Pearl là vi phạm, sau đó Sabeco thoái vốn 26% tại Sabeco Pearl với giá 197 tỷ đồng (giá khởi điểm 13.247 đồng/CP, không tính giá trị quyền sử dụng đất được bổ sung chức năng nhà ở cho thuê) gây thất thoát cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

Hậu quả là đất vàng rơi vào tay công ty tư nhân.

Phiên toà tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (24/4).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định không can thiệp vào quá trình thoái vốn của Sabeco