Hồ sơ vụ án

Cựu Bí thư Hải Dương nhận bao nhiêu tiền của Việt Á?

Đỗ Việt 20/08/2023 - 16:34

Từ lời giới thiệu của ông Nguyễn Thanh Long (thời điểm là Bộ trưởng Bộ Y tế) ông Phạm Xuân Thăng đồng ý giao Công ty Việt Á là đơn vị chủ công trong công tác xét nghiệm cho tỉnh Hải Dương. Đổi lại, ông Thăng đã nhận 100.000 USD từ Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Ngoài ra, ông Thăng còn được chia tiền "hoa hồng" sau khi Việt Á được thanh toán hợp đồng.

Tạo điều kiện cho Việt Á từ đề nghị của ông Nguyễn Thanh Long

Theo kết luận điều tra, ông Phạm Xuân Thăng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025 từ tháng 11/2020, đến ngày 17/9/2022 bị khởi tố, bắt tạm giam.

truy-to-pham-xuan-thang-bi-thu-hai-duong.jpg
Ông Phạm Xuân Thăng.

Ngày 28/1/2021, ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế) gặp Phạm Xuân Thăng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Lúc này, ông Long đã giới thiệu về năng lực, kinh nghiệm chống dịch của Phan Quốc Việt, Công ty Việt Á và đề nghị ông Thăng cho Công ty Việt Á về tỉnh Hải Dương hỗ trợ, phối hợp xét nghiệm chống dịch, ông Thăng sau đó đồng ý.

Vì vậy, tại các cuộc họp trực tuyến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ngày 29/1, 1/2/2021 và 2/2/2021, ông Phạm Xuân Thăng chủ trì và kết luận chỉ đạo UBND tỉnh ký hợp đồng với Công ty Việt Á.

Bên cạnh đó, trong quá trình Công ty Việt Á thực hiện việc xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch tại Hải Dương, ngày 20/2/2021, Phan Quốc Việt đến phòng làm việc của ông Phạm Xuân Thăng, đề nghị tạo điều kiện để Công ty Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, công nhân, người lao động ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Sau đó, Phạm Xuân Thăng đồng ý giao Công ty Việt Á là đơn vị chủ công trong công tác xét nghiệm cho tỉnh Hải Dương. Tại buổi gặp này, Việt đưa cho ông Phạm Xuân Thăng 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng).

Ngày 22/2/2021, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức cuộc họp mở rộng, Phan Quốc Việt được tham dự và phát biểu, cho rằng CDC Hải Dương và Công ty Việt Á có thể đạt năng lực xét nghiệm 60.000 - 80.000 mẫu gộp/ngày. Ông Phạm Xuân Thăng đã kết luận chỉ đạo nâng công suất của CDC Hải Dương lên 60.000 - 80.000 mẫu gộp/ngày, đúng như đề xuất của Phan Quốc Việt.

Trên cơ sở kết luận của ông Phạm Xuân Thăng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Hải Dương ban hành kế hoạch giao Công ty Việt Á phối hợp CDC Hải Dương mở rộng phạm vi xét nghiệm.

Chi 25% ngoài hợp đồng cho CDC Hải Dương

Theo kết luận, trước khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, ông Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương, đã thỏa thuận, thống nhất với ông Phan Quốc Việt về việc sau khi thanh toán, Công ty Việt Á sẽ chi lại cho ông Tuyến và một số lãnh đạo tỉnh Hải Dương số tiền từ 20 - 25% giá trị hợp đồng, để CDC Hải Dương ưu tiên sử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.

cdc-hai-duong.jpg
Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến.

Từ thỏa thuận nêu trên, ông Tuyến đã 3 lần nhận tổng số tiền 27 tỉ đồng do Công ty Việt Á chuyển. Sau khi nhận tiền “hoa hồng”, ông Tuyến đã đưa cho ông Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỉ đồng); đưa ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, 7 tỉ đồng; đưa ông Nguyễn Mạnh Cường, cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương, 300 triệu đồng; đưa một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương tổng số tiền 1,82 tỉ đồng; số còn lại ông Tuyến sử dụng cá nhân.

Cơ quan điều tra xác định khi dịch Covid-19 bùng phát, CDC Hải Dương mua hơn 226.000 kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 106 tỷ đồng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 73 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, ông Thăng khai nhận, ngoài 100.000 USD ông Việt đưa ngày 20/2/2021, còn được ông Tuyến 3 lần đưa cho tổng số tiền 600 triệu đồng và 50.000 USD tại phòng làm việc của mình.

Ngoài ra, ông Thăng thừa nhận việc kết luận, chỉ đạo liên quan đến Công ty Việt Á nêu trên là không đúng thẩm quyền, không đúng quy chế, quy định pháp luật, dẫn đến việc ông Việt và ông Tuyến lợi dụng để phạm tội, gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Trong vụ án Việt Á, đối với hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại tỉnh Hải Dương, C03 đã đề nghị VKSNDTC thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương từ tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Nhận hối lộ”.

Trước đó, ngày 17/9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Phạm Xuân Thăng để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tuy nhiên, đến ngày 7/4/2023, C03 ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Xuân Thăng từ tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Cùng vụ án, ông Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ".

Các bị can Nguyễn Mạnh Cường, cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương; Nguyễn Thị Trang, Giám đốc tư vấn và dịch vụ tài chính (Sở Tài chính tỉnh Hải Dương), bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị can Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, bị đề nghị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu Bí thư Hải Dương nhận bao nhiêu tiền của Việt Á?