Sau khi trốn vào miền Nam, được sự vận động của 2 người mẹ, 2 nam thanh niên sát hại người tàn tật đã ra đầu thú.
Ma men dẫn lối, 2 nam thanh niên trở thành sát nhân
Tuy ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi nhưng Phạm Anh (SN 1996) vẫn thường lên nhà bà ngoại ở xã Nghĩa Mỹ chơi. Cũng từ đó, Anh gặp Võ Tấn Lệnh (SN 1994, xã Nghĩa Mỹ) rồi trở thành bạn thân cho đến bây giờ. Chiều ngày 27/12, nhà bà ngoại của Anh tổ chức một bữa tiệc nhỏ để sáng hôm sau cậu của Anh lên đường đi biển. Cuộc vui hôm đó có người hàng xóm, cũng là bạn thân chí cốt của Anh là Võ Tấn Lệnh tham gia.
Sau khi hát hò và uống hết 4 thùng bia, đôi bạn thân niên kéo nhau ra tiệm internet T.T ở xã Nghĩa Mỹ chơi. Cũng đúng lúc này, Lê Văn Hiệp (SN 1998, ngụ thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa) cùng nhóm bạn chạy xe máy đi qua. Nghĩ đến những mâu thuẫn trước kia, cộng với hơi men trong người nên vừa thấy anh Hiệp, Anh và Lệnh đã rượt đuổi, chặn đầu xe. Do anh Hiệp bị tật cụt một chân nên không chạy trốn kịp, đã bị 2 thanh niên dùng dao đâm liên tiếp 8 nhát vào người, sau đó dùng gạch đập liên tiếp vào mặt khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Sau khi gây án, Anh và Lệnh bắt xe bỏ trốn vào TP. Hồ Chí Minh ngay trong đêm.
Cuộc vận động của 2 người mẹ
“Mũi dại lái chịu đòn, tôi biết con của chúng tôi đã gây ra tội ác tày đình. Bây giờ gia đình nhà cháu Hiệp có đánh vào mặt của tôi và mẹ cháu Anh, 2 chúng tôi cũng đứng yên cho họ đánh” – bà Phạm Thị Nhung (SN 1972, mẹ Lệnh) nghẹn ngào nói.
Bà Nhung cho biết, tối hôm xảy ra vụ việc, khi công an xã tìm đến nhà lúc đó bà mới biết Lệnh và Anh đã gây ra chuyện động trời. Thế nhưng, từ tối hôm đó đến ngày hôm sau bà vẫn không liên lạc được với con trai.
Đối tượng Phạm Anh
Cũng giống như bà Nhung, bà Lê Thị Nhân (SN 1974, mẹ của Anh) hôm đó cũng không liên lạc được với con. Đến 17h ngày 28/12, Anh có gọi điện thoại về, biết chỉ có ra đầu thú mới được hưởng sự khoan hồng của pháp luật nên bà nói “ngọt” để dỗ cậu con trai.
“Lúc đó tôi sợ cháu nó bỏ trốn nữa nên cố giữ bình tình, nói nhẹ nhàng không la mắng cháu. Qua nói chuyện tôi phân tích cho cháu hiểu chỉ có ra đầu thú mới được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Khi hỏi được chỗ ở của cháu, tôi liền gọi điện thoại cho dì của Anh ở quận Bình Thạnh đến đón rồi chở đến Công an phường 13 đầu thú” – bà Nhân thuật lại sự việc hôm đó.
Ngay khi Lệnh bỏ trốn, nghĩ con sẽ bỏ vào TP. Hồ Chí Minh nên bà Nhung đã gọi cho con gái lớn là chị Võ Thị Lựu (SN 1991) dặn nếu có liên lạc được với Lệnh thì khuyên Lệnh ra đầu thú. Cũng trong buổi chiều hôm đó, Lệnh có điện thoại về cho bà Nhung, cũng giống như bà Nhân, bà Nhung nói “ngọt” với cậu con trai. Khi biết được chỗ ở của Lệnh bà liền gọi cho chị Lựu đến khuyên nhủ em trai rồi cùng dì của Anh chở 2 đối tượng vào Công an phường 13, quận Bình Thạnh.
Đối tượng Võ Tấn Lệnh
Đến ngày 3/1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi đã di lý 2 đối tượng Phạm Anh và Võ Tấn Lệnh về đến Quảng Ngãi
Chàng trai tàn tật bất hạnh
Qua tìm hiểu được biết, Hiệp là con trai út trong gia đình 3 anh em của bà Nguyễn Thị Loan (SN 1968). Học đến lớp 9 Hiệp xin nghỉ theo cha đi làm thợ mộc với ước muốn nối nghiệp gia truyền. Thế nhưng 2 năm sau đó, trong một lần đi chơi cùng bạn, chàng trai trẻ bị tai nạn khiến Hiệp phải cắt bỏ một chân. Kể từ đó, Hiệp suốt ngày buồn bã chỉ ru rú một mình trong nhà, công việc làm mộc với mong muốn nối nghiệp cha cũng “đứt gánh” từ đó.
Dù gia đình làm nông nhưng với mong muốn cho con trai đi lại bình thường như trước kia, vợ chồng bà Loan dành dụm tiền đưa Hiệp vào TP. Hồ Chí Minh làm chân giả. Tổng chi phí phẫu thuật và làm chân giả tiêu tốn hết của vợ chồng bà gần 60 triệu đồng.
Từ khi về nhà, Hiệp bắt đầu tập tễnh bước đi để làm quen với “chân mới”. Khi đã đi lại thành thạo và chạy được xe máy, Hiệp xin vợ chồng bà cho đi học nghề cắt tóc. Nào ngờ, mới chỉ nhập học được 2 tuần thì đã xảy ra sự việc đau lòng.