Chuyển động

Cuộc truy tìm toàn cầu nguồn gốc máy nhắn tin phát nổ

Hồng Anh 21/09/2024 - 22:48

Sau Đài Loan (Trung Quốc), Bulgaria và Na Uy đang trở thành tâm điểm của cuộc truy tìm toàn cầu nhằm xác định nguồn gốc và đường đi của hàng ngàn máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon hôm 17/9 khiến 12 người thiệt mạng và hơn 2.300 người bị thương.

Vẫn chưa rõ vụ tấn công bằng máy nhắn tin được thực hiện như thế nào và với sự giúp đỡ của những ai, dù đến nay đã có những manh mối khả thi ở Đài Loan (Trung Quốc), Hungary và Bulgaria.

Hai người từ các công ty Đài Loan đã bị thẩm vấn như một phần của cuộc điều tra về máy nhắn tin phát nổ trong khi được các đặc vụ Hezbollah ở Lebanon sử dụng, các nhà điều tra cho biết hôm 20/9. Trong khi đó, các quan chức hàng đầu Đài Loan khẳng định các thiết bị không phải từ hòn đảo.

may-nhan-tin-dai-loan.png
Hsu Ching-kuang, Chủ tịch Apollo Gold, nói về các sản phẩm máy nhắn tin của công ty tại thành phố Tân Đài Bắc, Đài Loan vào ngày 18/9/2024. (Ảnh: AP)

Các câu hỏi và suy đoán đã xoay quanh việc các thiết bị này đến từ đâu và làm thế nào chúng được cung cấp cho nhóm chiến binh Hezbollah, sau khi hàng trăm máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ trên khắp Lebanon vào 17 và 18/9, khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và làm bị thương gần 3.000 người.

Không rõ những máy nhắn tin bị gắn thuốc nổ như thế nào. Một giả thuyết cho rằng các lô máy nhắn tin đã bị can thiệp và gắn thuốc nổ sau khi chúng rời khỏi nhà máy. Một giả thuyết khác là Israel đã dựng lên toàn bộ chuỗi cung ứng thiết bị chết người này.

Theo tờ New York Times đưa tin trong tuần này, Israel đã chèn vật liệu nổ vào một lô hàng máy nhắn tin từ Gold Apollo của Đài Loan.

Nhưng người đứng đầu Gold Apollo Hsu Ching-kuang phủ nhận việc sản xuất các thiết bị, thay vào đó « chỉ tay vào » đối tác BAC Consulting KFT có trụ sở tại Hungary. Hình ảnh máy nhắn tin sau khi nổ cho thấy thiết bị này mang logo của hãng Gold Apollo Đài Loan (Trung Quốc). Gold Apollo cho biết những máy nhắn tin được sản xuất bởi BAC Consulting, một công ty có trụ sở tại thủ đô Budapest của Hungary.

Truyền thông địa phương đưa tin, người thứ hai bị thẩm vấn là Wu Yu-jen, một đại diện có liên hệ với BAC Consulting KFT, người đã thành lập một công ty có trụ sở tại Đài Bắc có tên là "Apollo Systems".

Hai nhân chứng được phép rời đi sau nhiều vòng thẩm vấn. "Chúng tôi sẽ làm rõ sự thật càng sớm càng tốt, chẳng hạn như liệu các công ty Đài Loan có liên quan hay không", văn phòng công tố viên cho biết.

Bộ trưởng Kinh tế Kuo Jyh-huei nói rằng, máy nhắn tin sản xuất tại Đài Loan của Gold Apollo bao gồm các thành phần là "IC cấp thấp (mạch tích hợp) và pin".

"Những thứ này sẽ không nổ", ông nói và cho biết thêm rằng, Gold Apollo đã xuất khẩu 260.000 máy nhắn tin trong hai năm qua và "chưa bao giờ có một vụ nổ".

Ngày 20/9, chính quyền Bulgaria cho biết Bộ Nội vụ và các cơ quan an ninh nước này đã mở một cuộc điều tra về mối liên hệ có thể có của một công ty. Họ không nêu tên công ty đang bị điều tra.

Báo chí trong nước đưa tin công ty Norta Global Ltd có trụ sở tại Sofia đã hỗ trợ việc bán máy nhắn tin cho Hezbollah. Đài truyền hình quốc gia bTV dẫn các nguồn tin an ninh cho biết, 1,6 triệu euro liên quan đến giao dịch đã đi qua Bulgaria và được gửi đến Hungary.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc truy tìm toàn cầu nguồn gốc máy nhắn tin phát nổ