Cuộc truy lùng tên sát nhân xuyên lục địa (kỳ 3)

congly.com.vn| 13/04/2012 11:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù có hạn chế bởi quy định của luật pháp Montenegro, Dzurlic chỉ chịu án hơn 14 năm tù nhưng đó cũng đã có thể coi là một chiến thắng của công lý và phần thưởng cho những nhân viên điều tra đã không bỏ vụ án trong suốt 20 năm trời. Vào tù ở tuổi 70, kẻ sát nhân sẽ phải sống những ngày cuối đời sau song sắt.

Kỳ 3: Bản án cho kẻ sát nhân

Trong hành trình trốn chạy từ Mỹ, tên sát nhân đã sống ở Bỉ một thời gian và có vẻ như y đã để lại dấu ấn của mình tại đây. Để hoàn tất hồ sơ và nhằm làm sáng tỏ quá khứ của Dzurlic, ba đặc vụ của FBI đã bay sang Bỉ để kiểm chứng giả thuyết Dzurlic chính là kẻ mà báo chí Bỉ gọi là “Tên đồ tể thành Mons” (một thành phố cổ kính khoảng 100.000 dân ở miền Nam nước Bỉ). Từ tháng 1-1996 đến tháng 7-1997, đã có 5 phụ nữ ở đây bị giết hại và chặt khúc tương tự như vụ Mary Beal bị giết ở Mỹ từ năm 1992. Chuyên gia pháp y Ackley kiểm tra các vết chém, cắt và dụng cụ được sử dụng, ông nhận thấy những vụ giết người là “rất giống nhau”. Cùng họp với các sĩ quan Cảnh sát của Bỉ, Ackley bật laptop và chứng minh cho các đồng sự Bỉ thấy tất cả điểm tương đồng nói trên. Tuy nhiên, phía Bỉ không bị thuyết phục. Cảnh sát Bỉ tin rằng Dzurlic đã trốn khỏi đây vào đầu tháng 6-1995, sáu tháng trước khi vụ giết người đầu tiên xảy ra ở Mons.

Ảnh chụp lén Dzurlic của Cảnh sát Montenegro được lưu trong hồ sơ của FBI


Ngày 19-3-2008, Dzurlic ra Tòa ở Podgorica, thủ phủ Montenegro. Suốt cả phiên tòa, bị cáo chỉ mở mồm đúng một lần, y khẳng định mình vô tội. Ở bên kia đại dương, Công tố viên Jon Besunder, chuyên gia hàng đầu về án giết người của Tòa án Kings (Brooklyn, New York), tập trung ngay nhân chứng để lấy lời khai. Hàng xóm, các thành viên trong gia đình, chủ nhà, người làm công của Dzurlic và bà Beal được “dồn” vào một phòng nhỏ của trụ sở Tòa án Kings. Những lời khai của họ được quay video và phát đến phòng xử án ở Montenegro cách đó 7.400 km để làm bằng chứng. Riêng Agovic, vợ thứ ba của Dzurlic thì làm chứng qua video từ một thị trấn ở miền Đông nước Bỉ. Khi được hỏi bà biết gì về vụ giết người, Agovic trả lời rằng Muzafera Klicic, em gái của Dzurlic, nói với bà rằng Dzurlic “có một vài vấn đề”.

Thẩm phán hỏi “một số vấn đề” có phải hàm ý là giết bà Beal không. “Là thế đấy”, bà Agovic trả lời. Tuy nhiên, thời gian quá lâu và khác biệt pháp lý giữa các quốc đã khiến phiên xử nhiều khi tưởng như đi vào bế tắc. Một hội đồng năm Thẩm phán đã bắt đầu cân nhắc kỹ lưỡng vào phiên tòa xét xử Dzurlic ngày 22-6-2010, gần 20 năm sau cái chết của bà Beal. Dzurlic đối mặt với án phạt tối đa là 15 năm tù về tội giết người và 6 tháng tù về tội tàng trữ đạn trái phép. HĐXX thảo luận suốt 10 ngày trước khi tuyên án. Cuối cùng, Dzurlic bị kết án 4 tháng tù về tội tàng trữ đạn trái phép, nộp 100 Euro án phí và ngồi tù 12 năm về tội giết người.


Mặc dù Dzurlic làm thinh suốt phiên tòa nhưng khi được phỏng vấn trong trại giam, y lại nói khá nhiều. “Trông tôi có nguy hiểm cho anh không?”, y hỏi nhà báo khi hai người ngồi gần nhau ở cuối một cái bàn hình chữ nhật dài. Trong khi nói chuyện với nhà báo, Dzurlic lúc nhớ lúc quên. Có lúc y nhớ lại những thời điểm cụ thể và những con đường ở Manhattan, nơi ông từng ở khi những sự cố chính yếu xảy ra. Lúc khác, khi nói đến những sự kiện xảy ra vào tháng 9-1990, việc bà Beal bị sát hại, y quên mất những sự kiện cơ bản của cuộc sống, kiểu như y có thực sự kết hôn với bà Agovic hay không.


Nhà báo hỏi Dzurlic về mối quan hệ của ông với bà Beal. Dzurlic lắng nghe chăm chú trong khi hàm giật liên tục, lưỡi y có vẻ cứng. Khi đề cập đến cuộc nói chuyện với những từ ngữ dâm đãng trên điện thoại thu được từ máy trả lời của bà Beal, “người đó không phải là tôi” - Dzurlic nói. Biết Dzurlic chưa bao giờ bị hỏi về những vụ giết người ở Mons, nhà báo hỏi y có giết những phụ nữ kia không. Y nhìn chằm chằm một lúc. “Anh có nghĩ rằng tôi đã làm điều đó?”, “Xấu hổ cho họ, bất cứ ai vu tôi tội giết người. Anh biết tài xế taxi ở New York làm việc chăm chỉ nhất trên thế giới chứ hả? Anh biết điều đó chứ? Hãy suy nghĩ chuyện một tài xế taxi đi giết một người nào đó kiểu như thế! Họ buộc tội tôi giết 13 người. Tất cả đều là phụ nữ. Nhưng họ không bao giờ dám kết án tôi về điều đó.

Đối với vụ Mary Beal, họ kết án tôi. Đó là một mánh lới, không có gì khác. Tội nghiệp Mary Beal. Tôi cảm thấy tiếc cho bà ấy”. Dzurlic nổi cáu xổ một tràng dài, mất dần sự kiên nhẫn. Nắm được tâm lý của Dzurlic, phóng viên dồn tiếp: “Nếu ông không phải là kẻ giết người hàng loạt xuyên quốc gia mà Sở Cảnh sát New York và FBI dựng chuyện đối với ông, ông có thể giải thích vụ giết người đàn bà ở Tp. New York mà ông quen thân, tiếp theo năm phụ nữ Bỉ bị giết tương tự, sau đó một lần nữa là cái chết của một phụ nữ Albania trong thời gian ông sống ở đó?”. “Đó là điều kỳ lạ”, Dzurlic trả lời với một cái nhún vai. Y nghiến răng, sau đó nắm cổ tay trái của nhà báo và lẩm bẩm: “Có lẽ mấy cái mẩu thi thể này là số phận”. “Số phận? Điều đó có nghĩa là gì?”. “Số phận của tôi”, Dzurlic nói: “Đó là bị kết tội”.


Hải Yến (theo New York time)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc truy lùng tên sát nhân xuyên lục địa (kỳ 3)