Cuộc truy lùng tên sát nhân xuyên lục địa (kỳ 1)

congly.com.vn| 13/04/2012 11:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một người bị giết dã man tại Mỹ, hung thủ biến mất tăm. Cuộc điều tra kéo gần 20 năm, qua 3 đời thám tử để rồi kết thúc bất ngờ ở một quốc gia xa lạ bên kia bờ Đại Tây Dương. Một lần nữa, câu chuyện lại minh chứng cho chân lý “lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt”, tội ác bao giờ cũng phải trả giá.

Kỳ 1: Xác chết trong túi rác

Ngày 15-9-1990, khoảng sau 9 giờ sáng, trên đường đến sở làm ở Vinegar Hill (New York), một người dân nhìn thấy một túi đựng rác màu đen trên vỉa hè có máu rỉ ra ngoài đã báo Cảnh sát. Có mặt tại hiện trường, thám tử Ken Whelan phát hiện trong túi chứa đầy những bộ phận thi thể. Một lúc sau, lại có tin báo về một túi rác đầy ruồi nhặng bu quanh đáng nghi ngờ nữa, bên trong Whelan phát hiện hai cánh tay và một cái chân. Cuối ngày, cách đấy vài khối nhà, Cảnh sát phát hiện thêm chiếc túi thứ ba có chứa thân người. Pháp y kết luận các bộ phận thi thể là của một phụ nữ, nạn nhân bị một kẻ nào đó cắt thân thể bằng cưa máy và dao. Tuy nhiên, việc xác định danh tính người xấu số gặp vấn đề vì không tìm ra dấu vân tay hoặc khuôn mặt.

Nạn nhân Mary Beal


10 ngày sau, Cảnh sát nhận được nguồn tin một người 61 tuổi sống tại khu Bronx tên là Mary Beal đã biến mất vào cái ngày mấy cái túi rác được phát hiện. Bà Beal làm nhân viên môi giới bất động sản và là phiên dịch bán thời gian của Tòa án, sống độc thân cùng với mấy con chó ở Moshulu Parkway. Khi không thấy bà Beal không đi bộ buổi sáng như thường lệ, người hàng xóm đã gọi Cảnh sát và viên Cảnh sát đã thông báo cho gia đình. Em gái bà Beal cho biết, bà Beal vừa bị vỡ mắt cá chân trái. Thám tử Whelan xác định vị trí chụp X-quang và đến ngay văn phòng bác sĩ pháp y, phim chụp X-quang mắt cá chân trái của thi thể khớp hoàn toàn với nhận dạng. Như vậy, nạn nhân đã được xác định.


Điều tra hoàn cảnh và các mối quan hệ của bà Beal, Cảnh sát phát hiện vào giữa những năm 1980, Beal đã làm phiên dịch cho một tranh chấp dân sự giữa một người Nam Tư tên Smajo Dzurlic và người vợ thứ hai của ông ta. Dzurlic hói đầu và lùn nhưng bà Beal dường như cảm thấy ở ông này một sự hấp dẫn nào đấy. Kiểm tra số liên lạc trong điện thoại của bà Beal, thám tử Whelan nhận ra các cuộc gọi “thường xuyên và đều đặn” giữa bà và ông Dzurlic cho đến ngày bà biến mất. Một cuộn băng lấy từ máy trả lời điện thoại có chứa tin nhắn và ghi lại cuộc nói chuyện, hẹn hò nồng nàn và có phần tục tĩu. “Ở nhà anh, chúng ta đã xxx. Bây giờ chúng ta sẽ xxx ở nhà của em”. Ngày 13-9, trước khi án mạng được phát hiện hai ngày, Dzurlic gửi 5 tin nhắn, cầu xin bà Beal trả lời. “Smajo khiến tôi buồn nhiều”, bà Beal nói với em gái của ông Dzurlic, bà Muzafera Klicic, chỉ vài ngày trước khi bà bị giết: “Trong đời tôi, chưa có ai làm tôi tổn thương đến mức đó”.

Cuộc điều tra của thám tử Whelan hướng vào Dzurlic. Một người hàng xóm cho biết nhìn thấy người đàn ông này lần gần nhất vào ngày 15-9 (tức ngày án mạng được phát hiện), trước khi ông và người vợ thứ ba của ông, một phụ nữ trẻ tên là Sadija Agovic “đi đến cửa hàng và không bao giờ trở về”. Dzurlic ký hợp đồng với một quản đốc xây dựng ở Bronx làm lại sàn nhà. Tuy nhiên, khi công việc hoàn tất và thanh toán tiền bạc, Dzurlic biến mất và nhà thầu đã lấy đồ đạc trong nhà của ông ta để xiết nợ. Lần lại lý lịch pháp lý, nghi can này không phải là người “sạch sẽ” trước pháp luật.

Năm 1974, ông ta đã từng dùng súng lục bắn chết một người đột nhập nhà. Tám năm sau, ông ta đánh một người trên đường ở Midtown bằng gậy do người đàn ông kia nện lên nóc xe của ông khi đường kẹt xe. Sau đó, người vợ thứ hai của Dzulric, bà Zinka, tố cáo bị chồng ném qua cửa sổ. Khi họ ra Tòa ly dị, người phiên dịch các thủ tục tại Tòa án chính là Mary Beal. Bốn tháng sau vụ mấy túi rác đầy máu, thám tử Whelan được phép khám xét nơi ở của Dzurlic ở Bronx. Cảnh sát tìm được một con dao nằm giữa hai cái gạt tàn thuốc bằng thủy tinh. Sau khi phun luminol, họ tìm thấy có vết máu trên tường nhà bếp và hai túi rác màu đen, nhóm máu thấy trùng với máu của bà Beal.


Vụ án vẫn chưa được giải quyết thì thám tử Whelan đã về hưu và một thám tử khác, Thomas Hickey, tiếp nhận vụ án. Hickey chuyển hướng điều tra tới em gái của nghi can ở Bronx và dọa bắt bà này nếu không khai báo. Kết quả là bà này đồng ý ra trước bồi thẩm đoàn và kể khai vào sáng 14-9-1990, Dzurlic đến nhà bà và nói: “Mary mất tiêu rồi”. Khi được hỏi lại nói vậy có nghĩa gì, Dzurlic nói bà Beal đang “ngủ” trong nhà ông. “Sao bà ta lại ngủ trong nhà anh khi bà ta có nhà của mình hẳn hoi?”. “Bà ta chết rồi”. “Sao bà ta chết?”. Dzurlic thú nhận với em gái của mình rằng đã bổ một nhát búa vào đầu bà Beal.


Ngày 18-1-1995, Tòa án hạt Kings kết án vắng mặt Dzurlic tội giết người. Tuy nhiên hung thủ đã lặn mất tăm. Người ta biết y từng sống ở Bỉ một thời gian, sau đó thì mất dấu. Cảnh sát New York, Interpol, Cảnh sát Bỉ, Cảnh sát châu Âu, FBI đều không biết nơi ở tiếp đó của ông ta. Cơ quan chức năng Bỉ thì khẳng định Dzurlic đã quay về Nam Tư cũ nhưng cuộc nội chiến khiến chính quyền ở đó quá bận rộn, không còn hơi sức đâu hỗ trợ lùng bắt tội phạm với Mỹ. Và, có lẽ vụ án sẽ không bao giờ được giải quyết, nếu hơn 10 năm sau, một xác chết tương tự lại được tìm thấy bên kia bờ đại dương, cách hàng chục ngàn ki-lô-mét.


Hải Yến (theo New York Times)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc truy lùng tên sát nhân xuyên lục địa (kỳ 1)