Nhóm công tác kỹ thuật của OHP quan tâm việc đối xử nhân đạo với động vật đồng hành và phòng chống bệnh dịch.
Ngày 25/1/2024, sau nửa năm Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu, FOUR PAWS, trở thành thành viên của Khung Đối tác Một sức khỏe (MSK) về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP), Nhóm Công tác Kỹ thuật Động vật Đồng hành, do FOUR PAWS đảm nhận vị trí đối tác quốc tế thường trực, đã tổ chức sự kiện đầu tiên tại Hà Nội. Đồng chủ trì cuộc họp cùng FOUR PAWS là ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Bên cạnh đó, đại diện của Tổng Cục Thú y và Chăn nuôi Campuchia, ông Bengthay Tep, đã trình bày về lý do và các lợi ích từ chương trình chấm dứt buôn bán thịt chó tại thành phố Siem Reap.
Cuộc họp đã thảo luận để thống nhất các Điều khoản tham chiếu với một số điều chỉnh dựa trên góp ý của các cơ quan ban ngành của Việt Nam, FOUR PAWS và các thành viên, cũng như đưa ra các hoạt động ưu tiên cho nhóm trong năm tới. Theo đó, FOUR PAWS ủng hộ việc chấm dứt buôn bán, giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo.
Bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS International, cho biết: “Chúng tôi xin cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì đã đồng ý đề nghị thành lập Nhóm Công tác Kỹ thuật Động vật Đồng hành cùng FOUR PAWS. Với những kiến thức chuyên môn của mình, chúng tôi mong muốn được làm việc với các bên liên quan để cùng giải quyết một số vấn đề cấp bách liên quan đến bệnh dịch ở động vật đồng hành trong Khuôn khổ Một Sức khỏe. Điều này bao gồm việc quản lý nhân đạo số lượng đàn chó và hoạt động buôn bán thịt chó, mèo, nhằm đưa Việt Nam thành một nơi an toàn hơn cho cả người dân và chó, mèo; đồng thời, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Chúng tôi cũng đặc biệt cảm ơn đến bài trình bày, và những nhận xét từ đại diện của Campuchia, vì đã nói lên các quan ngại đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng cũng như các lợi ích khác khi quyết định chấm dứt buôn bán thịt chó ở Sieam Reap”.
Khái niệm Một sức khỏe lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam vào năm 2003 trong khuôn khổ Đối tác phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người (PAHI), sau đó được đổi tên thành OHP vào năm 2016 và bao gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và hơn 30 tổ chức Việt Nam và quốc tế, cùng hợp tác mạnh mẽ để giảm thiểu rủi ro của bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Phạm Kim Đăng cho biết: “Đây sẽ là diễn đàn để các bên liên quan về sức khỏe và phúc lợi động vật, bao gồm các thành phần kinh tế khác nhau, cùng thảo luận và thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu rủi ro về sức khỏe thể chất và tinh thần do tương tác với động vật đồng hành, bao gồm buôn bán thịt chó và mèo, đồng thời thúc đẩy sự tương tác lành mạnh giữa người dân và động vật đồng hành, thông qua đào tạo, giáo dục và truyền thông về quyền sở hữu thú cưng có trách nhiệm”.
“Chúng ta cần nhìn lên và nhìn sang các bạn láng giềng, như Hàn Quốc, Cam-pu-chia đều đã có những quy định triệt để trong việc bắt nhốt, giết mổ trái phép chó, mèo, thì không có cớ gì Việt Nam không làm được và học hỏi theo những tiến bộ quốc tề về phúc lợi động vật nói chung và động vật đồng hành nói riêng”, ông Vũ Thanh Liêm, Trưởng ban thư ký đối tác MSK, nhấn mạnh.