Sau nhiều ngày xa các con để làm nhiệm vụ, nữ y tá vô tình gặp lại 2 đứa con trong khu lấy mẫu xét nghiệm. Dù rất nhớ thương con nhưng trong bộ quần áo bảo hộ, chị lùi ra xa, để đảm bảo an toàn cho các con.
Những ngày qua, bức ảnh chị Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1983), y tá Trạm Y tế phường Vinh Tân, TP Vinh (Nghệ An) gặp hai con và bố mẹ chồng trong khi đi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đã khiến cộng đồng mạng rơi nước mắt. Bức ảnh đã lột tả được sự khắc nghiệt của cuộc chiến chống dịch Covid-19 và những hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế.
Bức ảnh đó do Phó Chủ tịch UBND phường Vinh Tân chụp lại khoảnh khắc chị Vân Anh vô tình gặp người thân trong hoàn cảnh trớ trêu. Bản thân công tác trong ngành y nên ngay từ khi thành phố Vinh ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng (ngày 13/6) chị và đồng nghiệp đã chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Chồng chị là bộ đội biên phòng, công tác tại Hà Tĩnh nên hiếm khi được về thăm gia đình. Hơn 3 tháng nay anh nhận nhiệm vụ kiểm soát người nhập cảnh ở chốt vùng sâu, vùng xa của huyện Vũ Quang vì thế lại càng không thể về nhà thăm vợ con. Vậy nên, khi nhận được lệnh phải chuyển hẳn đến trạm y tế để tiện cho việc quản lý đối tượng cách ly bắt buộc, đi lấy mẫu xét nghiệm bất cứ lúc nào, chị đành gửi 2 con cho ông bà nội.
Ngày 23/6, phường Vinh Tân ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 liên quan đến chợ đầu mối lớn nhất tỉnh Nghệ An. Các cán bộ y tế phải làm việc liên tiếp, không có thời gian nghỉ. Đến khuya 24/6, khi vừa kết thúc việc tại một điểm lấy mẫu cho người dân trong phường về thì lại nhận lệnh tới một điểm lấy mẫu khác.
“Đến nơi, tôi bàng hoàng khi nhận ra ngõ nhà mình đã bị chăng dây, tất cả người dân đang chờ lấy mẫu, trong đó có bố mẹ chồng và 2 con (một cháu 14 tuổi, 1 cháu 7 tuổi). Cậu em nhận ra mẹ qua bộ bảo hộ, phụng phịu từ xa liền hỏi: “Sao mẹ giống bố thế, đi mãi không thấy về”, giọng chị Vân Anh nghẹn lại khi nhắc lại thời khắc gặp con trong tình huống trớ trêu.
Chị chia sẻ, nhà chỉ cách trạm y tế chưa đến cây số, nhiều lúc muốn chạy về thăm con một lát nhưng rồi lại sợ. Sợ mình đi khắp nơi, tiếp xúc nhiều người nhỡ không an toàn cho các con và bố mẹ già. Với lại, chị sợ con nhõng nhẽo, không muốn xa mẹ nên đành kìm lại nỗi nhớ thương. Suốt nhiều ngày qua, do số lượng công việc nhiều nên khi về đến cơ quan đã gần hết đêm. Do đó, chị không muốn đánh thức giấc ngủ của các con...
Vì thế, khi gặp hai con, chị chỉ muốn chạy đến ôm cho thỏa nỗi nhớ nhung, nhưng rồi bước chân chị lại khựng lại. Chị chỉ đứng từ xa, tranh thủ nói chuyện với con, với ông bà một chút. Trong lời dặn dò gấp gáp chị chỉ kịp dặn hai con yêu thương nhau, nghe lời ông bà và hứa hết dịch sẽ về, gia đình được đoàn tụ.
Với đặc thù công việc, chị Vân Anh và các đồng nghiệp luôn có mặt ở tuyến đầu. Dù được trang bị bảo hộ kỹ càng, thực hiện các thao tác chuyên môn đúng quy trình nhưng chị biết không gì là tuyệt đối. Do đó, chị chấp nhận sống xa gia đình một thời gian để yên tâm làm nhiệm vụ.
Gánh trên vai sứ mệnh người làm ngành y, chị Vân Anh và các đồng nghiệp không cho phép mình yếu đuối hay gục ngã. Những cuộc lấy mẫu truy vết xuyên trưa hay xuyên đêm, những bữa ăn nguội ngắt, những giấc ngủ chập chờn với họ đã quá quen thuộc. Khó khăn, vất vả nhưng không ai phàn nàn hay kêu ca mà âm thầm làm việc bởi sức khỏe và sự an toàn của người dân là trên hết. Những sự hy sinh của các chiến sỹ áo trắng luôn được xã hội ghi nhận.