Cuộc chiến chống tham nhũng và niềm tin chiến thắng

Thu Vân| 15/02/2018 19:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hình ảnh về một cái lò đã nóng lên khiến cả “củi tươi” cũng cháy đã không chỉ trở thành biểu tượng của sức mạnh, khí thế rừng rực chống tham nhũng, mà nó còn là niềm tin chiến thắng của toàn đảng, toàn dân trong cuộc chiến chống tham nhũng năm qua.

Cuộc chiến chống tham nhũng và niềm tin chiến thắng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hình ảnh và khí thế đó đã và đang tiếp tục lan tỏa, thấm nhuần trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, đem đến niềm tin sâu sắc rằng công cuộc phòng chống tham nhũng nhất định sẽ thắng lợi, góp phần cải tổ đất nước. Và người nhóm lên ý chí về sức mạnh, niềm tin đó không ai khác chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chuyện “lò nóng”, “củi tươi” và những người giữ lửa

Xin được nói rõ thêm về  “lò nóng”, “củi tươi” là những cụm từ được nhắc đến trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ươngvề phòng chống tham nhũng (PCTN) trong năm 2017. Cụ thể,đánh giá công tác PCTN thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản. Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

Tham nhũng vốn gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Tham nhũng và chống tham nhũng ở mọi thời và muôn đời vốn không bao giờ cũ, là mục tiêu, khát vọng của nhân dân. Công tác PCTN cũng đã được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. Do đó người “nhóm lò” và “giữ lửa” đương nhiên phải thuộc về Đảng, mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các cơ quan có trách nhiệm, trong đó Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đóng vai trò quan trọng.

Mục tiêu, quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp PCTN cũng đã được xác định tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI), Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) và Văn kiện Đại hội XII của Đảng; được cụ thể hóa và thể chế hóa bởi nhiều quy định của Đảng và Nhà nước, như: Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101QĐ/TW ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Luật PCTN; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Cán bộ, công chức và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Thực tế thời gian qua, công tác PCTN có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Công tác PCTN chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đạt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng” mà Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã đề ra. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực,“làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”.

Trước thực trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng như giặc “nội xâm”, đe dọa sự tồn vong, hưng thịnh của đất nước, PCTN không thể chỉ được hô hào bằng khẩu hiệu, chủ trương trên giấy tờ, mà cần một ý chí mạnh mẽ, hành động cấp bách của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Bằng hành động và những việc làm cụ thể thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khơi nguồn ngọn lửa dập tham nhũng qua hình ảnh cái lò đã nóng lên như một biểu tượng sức mạnh và nhiệt huyết. Quan điểm của Đảng là không có “vùng cấm” trong PCTN, kiên quyết không ngại khó, ngại khổ, không né tránh, không ngại va chạm với tinh thần tiến công, đây là phong trào, là xu thế không thể đảo ngược. Cả xã hội vào cuộc, không ai đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng, đây chính là cuộc chiến chống giặc “nội xâm”.

Không có “vùng cấm” trong xử lý sai phạm, tham nhũng

Có thể nói, chưa bao giờ công cuộc đấu tranh PCTN lại quyết liệt, mạnh mẽ như năm 2017. PCTN từ bước lẻ tẻ đã thành phong trào, thành một xu thế. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017, trong năm toàn ngành Thanh tra đã triển khai 5.065 cuộc thanh tra hành chính và trên 190.000 cuộc thanh tra chuyên ngành, đã phát hiện vi phạm hơn 34.000 tỷ đồng, hơn 5.800 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 19.500 tỷ đồng và trên 5.000 ha đất xuất toán và loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý trên 14.000 tỷ đồng, 729 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính trên 1.500 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển Cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ, 176 đối tượng…Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Đặc biệt, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 300 vụ với 706 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 145 vụ, 328 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 50% (tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016)...

Để có được những kết quả đó, có vai trò quyết định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người thông qua những chủ trương, quyết sách PCTN, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng và cơ quan hữu quan vào cuộc triển khai một cách bài bản, thường xuyên và kiên trì.Trong đó nổi bật là những chỉ đạo quyết liệt, sát sao tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, như: “Tập trung, tích cực phát hiện vi phạm, đẩy nhanh xử lý và xử lý nghiêm minh các vụ án nhũng”; “Xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng nổi cộm, kết luận rõ ràng vụ Mobifone dùng tiền Nhà nước mua AVG”; “Cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm tính công khai và phát huy vai trò của báo chí tham gia giám sát trong đấu tranh PCTN”; “Dứt khoát không để "chìm xuồng" hoặc "nhẹ trên, nặng dưới". Thậm chí, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN diễn ra gần đây nhất, Tổng Bí thư còn chỉ đạo từng vụ việc kèm theo thời gian cụ thể: “Tập trung xét xử công minh vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại PVC và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank; tập trung làm cho bằng được, lần lượt đưa ra xét xử trong năm 2017, tháng 1 và đầu tháng 2/2018”…

Chính từ sự quyết tâm kiên trì “nói đi đôi với làm”, “làm phải có kết quả” của Tổng Bí thư đã thúc đẩy các cấp ngành, cơ quan hữu quan vào cuộc ráo riết, quyết liệt hơn.Từ sau Đại hội XII đến nay, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành tới 20 kỳ họp. Sau các kỳ họp đều có thông cáo báo chí công khai, minh bạch các nội dung đã được kết luận thông qua. Nhiều kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tạo ra hiệu ứng lớn đối với toàn xã hội, người dân phần nào được giải tỏa những bức xúc bấy lâu về những việc “ngang tai trái mắt” như: “cả họ làm quan”, “bổ nhiệm thần tốc”, “bổ nhiệm nợ tiêu chuẩn”, những “biệt phủ”, “quan tham” cuộc sống xa hoa, lợi ích nhóm rút ruột ngân sách Nhà nước của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức như công bố các sai phạm tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam; miễn nhiệm, kỷ luật, cách chức với các cá nhân từng giữ các chức vụ lãnh đạo cấp cao như: Hồ Thị Kim Thoa, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Đinh La Thăng… Có thể nói việc xử kỷ luật một số cán bộ cấp cao đương chức và các cán bộ khác là minh chứng điển hình cho quan điểm không có “vùng cấm” trong xử lý các vụ tham nhũng, được khẳng định rõ trong các nghị quyết của Đảng. Tinh thần thượng tôn pháp luật cũng được nêu cao và khẳng định nguyên tắc: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả tích cực đạt được trong PCTN năm 2017, ông Trần Viết Hoàn (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Thực sự dân phấn chấn, thấy Đảng mạnh hơn. Nhân dân, cử tri cảm ơn Tổng Bí thư - Người đứng đầu của Đảng đã châm lên ngọn lửa cho lò bốc cháy, giúp mọi người bỏ củi tươi, củi khô vào để đốt sạch tham nhũng”.

Hoan nghênh, đồng thuận với lập trường kiên định và quyết tâm trong PCTN của Đảng ta, bà Nguyễn Thị Thu Vân (quận 10, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết luận khuyết điểm và đề nghị xử lý kỷ luật một số cán bộ, đảng viên đứng đầu một số địa phương và ngành về những sai phạm cho thấy Đảng đang ngày càng quyết liệt trong việc PCTN. Điều này thể hiện rõ tuyên bố của Đảng, đó là không có “vùng cấm” trong xử lý sai phạm”.

Ông Trần Việt Hoa (đội 19, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết, ông thường xuyên theo dõi báo, đài và nhận thấy rất rõ Đảng đang quyết liệt chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dẫn chứng là nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng thời gian qua. Bằng những hành động đó, Đảng ta đã lấy lại được niềm tin của dư luận xã hội, nhân dân Việt Nam đã có niềm tin vững chắc hơn vào Đảng.

Nói như vậy không phải công tác PCTN năm qua không có những hạn chế cần khắc phục. Điều này đã được tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ trước Quốc hội: Công tác PCTN “tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá”. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Việc PCTN tại các Bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm. Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp. Và như nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo lắng: Tham nhũng lớn nhưng tài sản thu hồi không được bao nhiêu; tham nhũng xảy ra ngay trong chính cơ quan PCTN, hay tham nhũng trong công tác cán bộ còn nguy hiểm hơn bởi nó tạo ra một thế hệ tham nhũng tiếp theo…

Có thể thấy công cuộc PCTN trong thời gian tiếp theo vẫn còn nhiều gian nan, thách thức với cảnh báo tham nhũng sẽ diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Nhưng với sự quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người đã khơi nguồn, nhóm lên ngọn lửa mãnh liệt trong PCTN, cùng với đó là sức mạnh được tạo nên bởi một phong trào trong đó có sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, chắc chắn cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục thu được những thành quả to lớn, góp phần đưa đất nước đi lên, phát triển giàu mạnh, dân chủ và văn minh.

Cuộc chiến chống tham nhũng và niềm tin chiến thắng

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: “Công tác PCTN của Đảng ta, rộng hơn là của đất nước ta thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bước tiến tích cực, rất mạnh mẽ. So với các giai đoạn lịch sử trước đây, công tác PCTN hiện cũng đang được thực hiện bài bản hơn, có trọng điểm hơn, hiệu quả cao hơn. Trong đó, chúng ta đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đã phối hợp được nhiều lực lượng, từ Ủy ban Kiểm tra các cấp, các lực lượng Thanh tra, Công an… cùng vào cuộc trong “cuộc chiến” này. Những vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử không chỉ mang lại hiệu ứng tích cực trong Đảng, mà còn đem lại niềm tin lớn trong nhân dân”.


Cuộc chiến chống tham nhũng và niềm tin chiến thắng

Giáo sư Hoàng Chí Bảo: “Cuộc chiến chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ví như một chiếc lò nóng, sẽ phải luôn bùng cháy khi tình trạng tham nhũng lãng phí, quan liêu còn rất nặng nề. Đây là nguyện vọng của người dân. Sự ghi nhận của người dân để thấy họ có lòng tin vào quyết tâm của Đảng, nhưng không vì thế mà Đảng được phép thỏa mãn, mà cần đẩy mạnh hơn để cuộc chiến ấy có những chuyển biến lớn hơn nữa”.


Cuộc chiến chống tham nhũng và niềm tin chiến thắng

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Đừng để xảy ra vụ việc như ở Thanh Hóa, Yên Bái, sai phạm của cán bộ đều ít nhiều có liên quan đến lãnh đạo cấp cao tại địa phương đó. Việc của địa phương như vậy thì Trung ương phải vào cuộc. Ngọn cờ chống tham nhũng, tiêu cực đang giương lên mà như vậy, Trung ương đã có chuyển động thì địa phương cũng cần phải chuyển động theo”.


Cuộc chiến chống tham nhũng và niềm tin chiến thắng

ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ: “Cần tạo môi trường mà ở đó không còn cơ hội tham nhũng bằng cách hoàn thiện pháp luật, công khai minh bạch, xoá bỏ thủ tục hành chính không cần thiết. Tạo môi trường không dám tham nhũng bằng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém, tham nhũng, sách nhiễu. Và cuối cùng là tạo môi trường không muốn tham nhũng từ việc tinh gọn bộ máy, có chế độ thoả đáng và cơ hội phát triển bình đẳng của công chức, viên chức”.


Cuộc chiến chống tham nhũng và niềm tin chiến thắng

Ông Phạm Văn Hễ (Cựu chiến binh tại phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM): “Để tăng niềm tin của nhân dân vào sự quyết liệt của Đảng trong công cuộc chống tham nhũng, thì giữa việc kê khai tài sản và thu nhập phải thật chặt chẽ và thường xuyên. Làm sao để khi báo chí chưa đưa ra thì Đảng đã phát hiện và xử lý rồi. Nếu làm tốt 2 khâu này thì việc PCTN mới có hiệu quả, mới đi vào thực chất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chống tham nhũng và niềm tin chiến thắng