Vấn đề quan tâm

Củng cố hồ sơ để xử lý vụ hơn 4ha rừng trồng phòng hộ bị khai thác trái phép ở Bình Định

Đức Hồ 05/10/2023 08:11

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, những vụ khai thác rừng phòng hộ trái pháp luật ở huyện Phù Mỹ đang được cơ quan chức năng điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý và quan điểm sẽ xử lý đúng người đúng tội.

Như Công lý đã thông tin, hơn 4ha rừng trồng phòng hộ tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, Bình Định bị xóa sổ. Cụ thể, theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ, ngày 10/7 kiểm tra tại hiện trường ở khoảnh 3 tiểu khu 119, xã Mỹ Châu do ông Hồ Quang Thanh ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng phát hiện rừng bị ủi đường và khai thác rừng trồng phòng hộ trái phép.

Cũng tại tiểu khu 119 xã Mỹ Châu, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ cũng ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng trồng phòng hộ với ông Nguyễn Thái Học. Nhưng trong số 4,92ha được trồng từ năm 1998, phát hiện có đến 3,35ha bị khai thác không đúng quy định, chưa có hồ sơ thiết kế đã tự ý khai thác trắng. Tại thời điểm kiểm tra, cây keo lá tràm và cây keo lai đã khai thác không còn gỗ tại hiện trường, diện tích vi phạm 1,07ha, ông Thanh nhận là người khai thác diện tích rừng nói trên.

Kết luận giám định rừng của Trung tâm quy hoạch nông nghiệp nông thôn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định mới đây xác định, tại khoảnh 3, tiểu khu 119, xã Mỹ Châu, khu vực Ban Quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ giao khoán quản lý bảo vệ rừng trồng phòng hộ đối với ông Nguyễn Thái Học từ năm 2019, với diện tích giao khoán là 4,92 ha.

Qua giám định, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 3,99ha với tổng giá trị thiệt hại hơn 524 triệu đồng. Bao gồm: Rừng trồng phòng hộ Keo lá tràm trồng năm 1998; mật độ trồng ban đầu 1.000 cây/ha và chưa khai thác, diện tích thiệt hại là 26.340m2; Rừng trồng phòng hộ Keo lá tràm trồng năm 1998; mật độ trồng ban đầu là 1.000 cây/ha, đến năm 2008 khai thác theo đám và trồng lại rừng. Diện tích thiệt hại là 4.840 m2; Rừng trồng phòng hộ Keo lá tràm trồng năm 1998; mật độ trồng ban đầu là 1.000 cây/ha, đến năm 2012 khai thác theo đám và trồng lại rừng. Diện tích thiệt hại là 8.731m2.

vu-pha-rung-phong-ho-phu-my-binh-dinh-1(1).jpeg
Gốc cây có đường kính gần 50cm bị cưa hạ trái phép.

Cũng theo Kết luận giám định rừng, tại khoảnh 3, tiểu khu 119, xã Mỹ Châu, khu vực Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ giao khoán quản lý bảo vệ rừng trồng phòng hộ đối với ông Hồ Quang Thanh, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 1,58ha, tổng giá trị thiệt hại hơn 205 triệu đồng. Bao gồm: Rừng trồng phòng hộ Keo lá tràm trồng năm 1998; mật độ trồng ban đầu 1.000 cây/ha và chưa khai thác. Diện tích thiệt hại là 8.127m2; Rừng trồng phòng hộ Keo lá tràm trồng năm 1998; mật độ trồng ban đầu là 1.000 cây/ha, đến năm 2015 khai thác và trồng lại rừng. Diện tích thiệt hại là 902m2; Rừng trồng phòng hộ Keo lá tràm trồng năm 1998; mật độ trồng ban đầu là 1.000 cây/ha. Đến năm 2012 khai thác theo đám và trồng lại rừng; đến năm 2019 tỉa thưa theo hàng. Diện tích thiệt hại là 6.740m2.

vu-pha-rung-phong-ho-phu-my-binh-dinh-3(1).jpeg
Một mảng rừng phòng hộ bị cưa trống rỗng.

Trao đổi với PV Báo Công Lý, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh đã đến hiện trường kiểm tra vụ hơn 4ha rừng trồng phòng hộ tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, Bình Định bị khai thác trái phép.

Theo ông Phúc, trong 3 vụ khai thác rừng phòng hộ trái phép ở huyện Phù Mỹ, vụ việc tại xã Mỹ Châu hồ sơ đã củng cố đầy đủ và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Còn vụ việc tại xã Mỹ Lộc, đang giao cơ quan chức năng rà soát, khi đầy đủ hồ sơ pháp lỹ cũng sẽ xử lý nghiêm. Trách nhiệm trước hết là chủ rừng, hộ giao khoán và một phần trách nhiệm của cơ qua kiểm lâm. “Quan điểm là xử lý đúng người đúng tội", ông Phúc nói.

Về mặt quản lý nhà nước, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, tới đây sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ bàn giao đối với diện tích rừng phòng hộ trước đây chưa giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện. Ngoài ra, cũng sẽ phải rà soát, chấn chỉnh ngay những bất cập trong việc Ban quản lý rừng giao khoán cho hộ gia đình theo đúng quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng.

Cũng liên quan tới vụ khai thác rừng phòng hộ trên, trước đó trao đổi với PV, ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, kiểm lâm huyện đã thực hiện xác minh, điều tra thụ lý tin báo tội phạm. Về trách nhiệm để khai thác rừng trong thời gian dài, ông Chánh khẳng định: “Sau khi có kết quả điều tra sẽ làm rõ xử lý trách nhiệm, xét thấy có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án, xử lý nghiêm theo quy định”.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, đối với hành vi khai thác rừng trái phép rừng phòng hộ từ 1ha trở lên hoặc gây thiệt hại từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể xử lý theo điểm c, đ khoản 3 điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội phá hoại rừng.

Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo điều 74 và khoản 2 điều 76 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về trách nhiệm của chủ rừng, quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng phòng hộ và chủ rừng phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng. Nếu để xảy ra vi phạm thì tùy theo tính chất và mức độ, ban quản lý rừng, chủ rừng có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn theo khoản 12 điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, về phá họa rừng trái phép, chủ rừng có thể bị xử phạt thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất có thể lên đến 200 triệu đồng khi được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và sử dụng vào mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật, nếu không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo Quy chế quản lý rừng, không tổ chức kiểm tra phát hiện kịp thời vi phạm để phá rừng trái pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố hồ sơ để xử lý vụ hơn 4ha rừng trồng phòng hộ bị khai thác trái phép ở Bình Định