Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng bệnh chân tay miệng gia tăng là do người dân thiếu nước sinh hoạt, Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.
Chưa ghi nhận trường hợp tử vong
PV: Tuy chưa vào mùa dịch nhưng theo thống kê của Bộ Y tế đã có hơn 2.100 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng tại 57 tỉnh thành. Trong thời gian tới, bệnh chân tay miệng có thể tiến triển thành dịch không thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Ảnh: Hữu Lan
Cục trưởng Trần Đắc Phu: Bệnh chân tay miệng là một bệnh lưu hành ở Việt Nam nên sẽ tiến triển thành dịch. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa, liên quan đến vấn đề vệ sinh như quản lý phân, nước, đồ chơi của trẻ, ăn rau sống…
Cũng có trường hợp người lành mang vi trùng, tuy họ không mắc bệnh nhưng có thể lây lan cho người khác.
Tại các nước như Nhật Bản, Trung Quốc tỉ lệ người mắc bệnh chân tay miệng tăng cao nhưng ở nước ta những năm gần đây giảm mạnh về số lượng và trường hợp nặng, tử vong vì bệnh.
PV: Có ý kiến cho rằng, so với các bệnh truyền nhiễm khác, bệnh chân tay miệng có tỷ lệ người tử vong cao nhất từ trước tới nay. Xin ông hãy cho biết tính xác thực của thông tin?
Cục trưởng Trần Đắc Phu: Tính từ đầu năm đến nay, trên phạm vi cả nước chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh chân tay miệng. Riêng hai trường hợp tử vong ở tỉnh Trà Vinh và TP. Hồ Chí Minh do chân tay miệng đã có kết luận chính thức từ Bộ Y tế, nguyên nhân tử vong do một bệnh khác. Do đó, những thông tin cho rằng bệnh nhân tử vong do chân tay miệng như báo chí thông tin chỉ là những chẩn đoán lâm sàng ban đầu.
Trước đây, tỉ lệ bệnh nhân tử vong do bệnh chân tay miệng ở nước ta rất cao. Riêng trong năm 2012, có hơn 100 người tử vong do bệnh chân tay miệng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây số người mắc và tử vong vì bệnh này đã giảm rất nhiều.
Cụ thể, năm 2015 chỉ có một trường hợp tử vong và năm 2016 không ghi nhận trường hợp nào.
Sở dĩ, con số này giảm xuống là do người dân biết cách phòng bệnh và trình độ cấp cứu, điều trị của các cơ sở y tế cũng được nâng cao. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan vì bệnh chân tay miệng có thể chuyển biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phủ phổi dẫn đến tử vong nếu như không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Tăng nguy cơ mắc bệnh vì thiếu nước
PV: Cùng một thời điểm, tại sao tại khu vực phía nam đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh bệnh chân tay miệng lại nở rộ hơn ở các tỉnh phía Bắc thưa ông?
Cục trưởng Trần Đắc Phu: Đầu tiên, do yếu tố khí hậu khác biệt. Tại các tỉnh miền Nam khí hậu nóng, ấm hơn nhiều nên tạo môi trường thuận lợi cho virus phát triển.
Khi thời tiết lạnh các bệnh về hô hấp tăng và nếu nóng, ấm lại tạo điều kiện cho các bệnh về tiêu hóa phát triển. Người mắc bệnh chân tay miệng do ăn phải phân của những trẻ chứa virus này.
Đặc biệt, khi thời tiết nóng, ấm con người thực hiện nhiều hành vi mất vệ sinh hơn. Bệnh chân tay miệng liên quan đến vấn đề phân nước. Tại các tỉnh phía Nam bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Ngoài ra, do miền Bắc và miền Nam dòng virus lưu hành khác nhau. Cụ thể, dòng virus Coxsackievirus A16 lưu hành ở phía Bắc và dòng Enterowvirus 71 (EV71). Mặc dù đều là dòng virus về tiêu hóa nhưng các trường hợp biến chứng nặng đều do EV71.
PV: Một kết quả xét nghiệm chất lượng nước 8 tháng đầu năm 2016 của Trung tâm Y tế Dự phòng chỉ ra nguồn nước ngầm ở Tp. Hồ Chí Minh đang cạn kiệt và đến mức báo động. Xin ông hãy cho biết điều này có liên quan như thế nào đến tình hình dịch bệnh?
Cục trưởng Trần Đắc Phu: Biến đổi khí hậu, nguồn nước cạn kiệt khiến người dân thiếu nước sinh hoạt. Khi nguồn nước ngọt của người dân không đủ dẫn thì nước sinh hoạt sẽ thiếu nghiêm trọng.
Từ đó, dẫn đến hành vi vệ sinh cá nhân không tốt do thiếu nước. Khi đứa trẻ đi vệ sinh không có nước để rửa tay bằng xà phòng, tắm rửa là một trong những nguyên nhân gia tăng bệnh chân tay miệng. Kể cả trong trường hợp nguồn nước bị nhiễm hóa chất nhưng không mang virus bệnh từ phân của trẻ thì cũng không bị mắc bệnh chân tay miệng.
Đối với những người dân sống ở môi trường sông nước, nếu đi vệ sinh, phóng uế bừa bãi; quản lý phân trẻ em không tốt; sinh hoạt giặt giũ ở sông suối, kênh rạch rất nguy hiểm. Bởi lẽ, đây là môi trường để bệnh chân tay miệng sinh sôi, phát triển và lan rộng nếu vừa phóng uế vừa sinh hoạt.
PV: Để phòng và chống bệnh chân tay miệng hiệu quả, ông có khuyến cáo gì đối với người dân?
Cục trưởng Trần Đắc Phu: Để phòng và chống bệnh chân tay miệng, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng chất tẩy rửa.
Đặc biệt, các nhà trẻ cần phải quản lý phân của trẻ cho tốt. Khi trẻ đi vệ sinh ra bô cần phải xử lý cho tốt. Nếu nhà có con nhỏ thì quá trình thay tả cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, người dân không nên phóng uế bừa bãi – một thói quen không tốt tạo mầm móng bệnh. Do đó, một trong những hành vi quan trọng nhất để phòng chống bệnh là vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo an toàn.
PV: Xin cảm ơn ông !