Sau khi đăng bài “Đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ): “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?” và chuyển công văn đến một số cơ quan chức năng, Báo Công lý nhận được Công văn phản hồi số 362/DSVH-QLDS ngày 14/6/2013 của Cục Di sản văn hóa.
Mới đây, theo Cinet.gov.vn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chuyển nội dung công văn này đến Ủy ban Văn hóa , Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Công văn số 362/DSVH-QLDT ngày 14/6/2013 do Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng ký, nêu ý kiến như sau:
“Trong thời gian qua, việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng được nhiều người quan tâm. Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 1996 có bài “Câu đối Đền Hùng trong tâm thức Việt” của tác giả Nguyễn Khắc Xương dịch bức hoành phi “Nam Việt triệu tổ” tại đền Thượng là: “Vị tổ đầu tiên của nước Việt Nam”. Cục Di sản văn hóa thấy rằng cách dịch hoành phi “Nam Việt triệu tổ” như trên của tác giả Nguyễn Khắc Xương là chính xác, phù hợp với ý nghĩa đây là nơi thờ vị Tổ đầu tiên của nước Việt Nam, và cũng thống nhất với nội dung các hoành phi câu đối hiện còn tại Đền Hùng ca ngợi Hùng Vương. Mặt khác, chữ “triệu” trong từ “triệu tổ” có nghĩa là “bắt đầu”, “mở đầu” hoàn toàn khác với chữ “triệu” có nghĩa là “họ Triệu” trong tên nhân vật Triệu Đà, nên không thể suy diễn “Nam Việt” (chữ trên hoành phi nói trên) là quốc hiệu của Triệu Đà và “triệu tổ” ở đây là Triệu Đà.
Hoành phi “Triệu tổ Nam bang” treo tại đền Trung (Đền Hùng), sai cả về ngữ pháp, chính tả và nội dung… do bạn đọc và báo chí phát hiện
Mặc dù chưa xác định được niên đại chính xác của bức hoành phi cùng bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” nhưng những lần tu bổ gần đây đều giữ nguyên bốn chữ này”.
Nhận được ý kiến phản hồi của Cục Di sản văn hóa, chúng tôi thấy cần trao đổi lại. Quý Cục cho rằng “Nam Việt triệu tổ” là “Vị tổ đầu tiên của nước Việt Nam” như cách dịch của dịch giả Nguyễn Khắc Xương là “chính xác, phù hợp” nhưng ngay trong lời dịch đã có điểm quan trọng nhất không “chính xác”, không “phù hợp” với bản gốc là dịch giả mặc nhiên coi “Nam Việt” là “Việt Nam”. Theo đúng bản gốc thì phải dịch bốn chữ đó là “Vị tổ đầu tiên của nước Nam Việt”. Tương tự như ta không thể coi Lạc Âu là quốc hiệu Âu Lạc, Nam Đại là quốc hiệu Đại Nam, Việt Đại là quốc hiệu Đại Việt được.
Và chính vì hai chữ “Nam Việt” này mà Báo Công lý mới phải lên tiếng, ngõ hầu có sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các vị thức giả trong cả nước để vấn đề được sáng tỏ.
Bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” không phải hoành phi
Hơn nữa, Cục Di sản Văn hóa lại giải thích thêm rằng chữ “triệu” trong từ “triệu tổ” có nghĩa là “bắt đầu”, “mở đầu” hoàn toàn khác với chữ “triệu” có nghĩa là “họ Triệu” trong tên nhân vật Triệu Đà, nên không thể suy diễn “Nam Việt” (chữ trên hoành phi nói trên) là quốc hiệu của Triệu Đà và “triệu tổ” ở đây là Triệu Đà.
Đoạn giải thích này cho thấy Cục Di sản chưa nghiên cứu kỹ vấn đề báo phản ánh. Trong bài báo đã nêu rõ: “Bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” nghĩa là Triệu tổ của Nam Việt chứ không phải là “Tổ muôn đời của nước Nam” như giải đáp của Ban quản lý di tích này. Hai chữ “Triệu tổ” dễ hiểu, nghĩa là tổ khởi đầu, gây dựng nền móng. Các Vua Hùng lập ra nhà nước đầu tiên, đặt quốc hiệu Văn Lang nên đúng là Triệu tổ của dân tộc ta. Hai chữ gây băn khoăn là “Nam Việt”, tại sao không đề là “Văn Lang triệu tổ” cho đúng với quốc hiệu thời các Vua Hùng hay “Đại Nam triệu tổ” phù hợp với quốc hiệu khi xây dựng Nghi môn hay “Việt Nam triệu tổ” cho phù hợp quốc hiệu chính thức từ 1804 đến nay, mà lại đề “Nam Việt triệu tổ”...
Rõ ràng, báo không suy diễn từ chữ “triệu tổ” để nhầm lẫn sang họ Triệu là Triệu Đà, như Cục Di sản văn hóa đã đánh giá.
Một chi tiết nhỏ khác cho thấy Cục Di sản văn hóa chưa thật quan tâm đến vấn đề báo nêu, đó là Cục nhầm bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” là một bức hoành phi, trong khi đây là bốn chữ lớn đắp trên nghi môn đền Thượng. Hoành phi là “Biển gỗ khắc chữ Hán lớn, thường treo ngang giữa gian nhà để thờ hoặc trang trí”- Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học 2002).
Sau khi nhận được Công văn 62/DSVH-QLDT ngày 14/6/2013 của Cục Di sản văn hóa, Báo Công lý đã đăng tải một số ý kiến của bạn đọc xa gần bày tỏ sự đồng tình với vấn đề báo nêu, trong đó có người am hiểu văn hóa, có người là tiến sĩ sử học, nhưng đến ngày 25/7 Văn bản số 2747/BVHTTDL-DSVH của Bộ VHTTDL gửi Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về nội dung này vẫn giữ nguyên nội dung đã gửi Báo Công lý. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục quan tâm đến vấn đề báo nêu, đồng thời Báo Công lý sẽ tiếp tục đăng tải ý kiến của các nhà khoa học về vấn đề quan trọng này.
BTK