Tiếp tục chương trình kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV, sáng nay (20/11), các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phản ánh thực thực trạng thời gian gần đây, tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cần thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế, đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay thì dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống.
“Điều đó là chính đáng, bởi nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng”- Đại biểu Nguyễn Văn Huy nói.
Đại biểu cho rằng, cán cân cung – cầu trong giáo dục là cơ hội cho giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi … thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến. Việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo. Để những người thầy chân chính có cơ hội cải thiện thu nhập, học sinh có nguyện vọng chính đáng bổ trợ và nâng cao năng lực được hỗ trợ điều kiện tiếp cận chất lượng giáo dục uy tín. Và những lớp học thêm tai tiếng vì "găm bài", vì gợi mở đề kiểm tra phải bị xử lý một cách nghiêm khắc và quyết liệt.
Để trả lại sự trong sạch cho môi trường dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng và khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Bên cạnh đó, cần quan tâm siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử và cởi trói bớt áp lực học hành. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sớm bồi thường đất, tài sản trong khu vực điện gió
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, hiện nay một số người dân đang bức xúc và chính quyền địa phương đang lúng túng trong xử lý là vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió trên bờ do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.
Viện dẫn Thông tư số 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương có quy định về hành lang an toàn của cột tháp gió và công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m, tuy nhiên, theo đại biểu “chưa có quy định, hướng dẫn việc nhà ở, công trình kiến trúc, vật nuôi có được phép tồn tại trong hành lang an toàn của cột tháp gió hay không và cũng không quy định cụ thể thế nào là khu dân cư....”
Nhấn mạnh vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió trên bờ là vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi chỉ rõ, các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa đủ để áp dụng giải quyết thỏa đáng vấn đề trên.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ kịp thời có văn bản hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của Nhà máy điện gió, thiệt hại từ tiếng ồn do công trình điện gió gây ra.
Qua đó, làm cơ sở cho địa phương giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của người dân, ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã được phê duyệt theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, kiến nghị bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng các công trình năng lượng tái tạo vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình tại Kỳ họp để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ áp dụng thực hiện trong thời gian tới.
Cần giải quyết căn cơ tình trạng khiếu kiện vượt cấp
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, trong những năm gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo tập thể đông người, vượt cấp vẫn còn xảy ra.
Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trái phép và đơn giá, chính sách giải tỏa đền bù của Nhà nước khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương...
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị cho rằng cần tăng cường tập huấn về công tác tiếp công dân và quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân.
Theo Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm, một số kiến nghị chưa được xem xét kịp thời, kỹ lưỡng. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác này, đại biểu đề nghị các Đoàn ĐBQH cần chủ động thực hiện sớm hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp, tổng hợp văn bản chính xác các kiến nghị gửi tới các cơ quan có thẩm quyền theo quy định về thời gian, đảm bảo về nội dung.
Quốc hội, các ĐBQH cần xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát lại những trả lời của các bộ, ngành, qua đó có đôn đốc, theo dõi thực hiện.
Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cần trở thành một nội dung trong công tác thi đua, khen thưởng, để đánh giá kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ của các bộ, ngành, tạo sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện.
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường rà soát, đôn đốc xử lý phản hồi thông tin trước, trong và sau khi tiếp xúc cử tri, nhất là trong các vụ việc kéo dài, kiến nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết.
Cơ quan có thẩm quyền cần có giải trình, đưa ra lộ trình giải quyết cho cử tri, để nhân dân có thể giám sát.