Cụ thể hóa quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai

Trung Nguyễn| 02/03/2023 10:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trách nhiệm của Nhà nước đối với quản lý, sử dụng đất đai là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật đã làm rõ và quy định khá chi tiết quyền, trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai. Qua đó có thể thấy, trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò vừa là cơ quan quản lý, vừa là đại diện chủ sở hữu về đất đai đã được đề cập tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dự thảo Luật còn thiếu vắng các quy định về Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 53).  Dự thảo Luật cũng chỉ quy định, đề cập quyền đại diện chủ sở hữu đất đai là Nhà nước, còn toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì chưa được quy định cụ thể.

Để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của dự thảo Luật theo hướng làm rõ vai trò của Nhà nước với ba tư cách: là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; là người thực hiện chức năng thống nhất quản lý đất đai trong phạm vi cả nước; là người sử dụng đất với cơ chế cụ thể để bảo đảm thực hiện; đồng thời, bổ sung các quy định về quyền đại diện của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Cần bảo đảm tính tách bạch và minh định giữa trách nhiệm, chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước với chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lạm quyền, tiêu cực, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai thời gian qua.

Việc dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 24), trong đó, giao UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong quản lý đất đai, giải quyết chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cần đánh giá rõ tác động chính sách của việc giao UBND cấp tỉnh quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, đối chiếu trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có quy định đối tượng người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý miễn phí, song trên thực tế, hầu hết người dân không biết đến quy định này. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho đối tượng người dân tộc thiểu số trong các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, thu hồi đất... để người dân nắm rõ việc được hưởng quyền này.

Bên cạnh đó, việc quy định một mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang cũng là một trong những giải pháp có thể giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà, đất trong các dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội; mặt khác, khoản thuế này cũng sẽ giúp có thêm nguồn thu ngân sách để tái đầu tư phát triển xã hội. Tuy nhiên, nội dung này cần nghiên cứu tác động nhiều chiều, phân tích chính sách kỹ lưỡng và lấy ý kiến sâu rộng của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách này; bảo đảm tính đồng bộ với các quy định có liên quan về thuế trong hệ thống pháp luật hiện hành. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cụ thể hóa quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai