Trong lúc đi chặt bẹ dừa nước, một cụ bà ở Bạc Liêu không may bị ong vò vẽ đốt 71 vết ở nhiều vị trí trên cơ thể.
Ngày 21/4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu cho biết, bệnh nhân C.T.L. (81 tuổi, ngụ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) đã qua cơn nguy kịch sau thời gian điều trị do bị ong vò vẽ đốt.
Trước đó, bệnh viện tiếp nhận bà L. trong tình trạng lờ đờ, khó thở, rối loạn tri giác...
Theo lời kể của người nhà, bà L. đi chặt bẹ dừa nước, bị ong vò vẽ đốt vào vùng đầu, mặt, tay, chân và khắp người với 71 vết. Sau đó, gia đình đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu cấp cứu và điều trị.
Qua thăm khám và lời kể của người thân, bác sĩ nhận định cụ L. nhiễm độc nặng do ong vò vẽ đốt. Bệnh nhân nhiễm độc nặng, mạch nhanh, huyết áp 85/50 mmHg, có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, tiên lượng tổn thương đa cơ quan.
Các bác sĩ xử trí cấp cứu, chỉ định lọc máu liên tục, tình trạng người bệnh được cải thiện. Sau 8 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân thoát nguy kịch, hiện tỉnh táo, các chỉ số xét nghiệm bình thường.
Bác sĩ điều trị cho biết, nọc của ong vò vẽ rất độc và nguy hiểm có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Trường hợp người bệnh L. lớn tuổi kèm theo nhiều bệnh nền khi bị ong vò vẽ đốt với số lượng nhiều nếu không lọc máu liên tục khả năng tử vong rất cao.
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người dân nên thường xuyên phát quang cây cối, bụi rậm, tránh để ong làm tổ đặc biệt là ong vò vẽ. Căn dặn trẻ em không nên đến gần tổ ong, không ném, phá hay lấy que chọc tổ ong.
Khi bị ong tấn công, cần che vùng đầu để không bị đốt, tiếp đến tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi ong bay đi chỗ khác hoặc nếu có ao nước mà biết bơi lặn, có thể lặn xuống nước để tránh bị ong đốt. Hoặc có thể dùng mùn rơm hoặc giẻ tẩm dầu đốt có nhiều khói để xua ong đi nơi khác làm tổ. Tuyệt đối không được dùng quần áo, gậy xua vì sẽ khiến ong càng bu vào tấn công.