Đó là thông tin được đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới và tổ chức sàng lọc, khám, tăng huyết áp do Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp Hội Tim mạch Hà Nội, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh tổ chức ngày 17/5.
Tăng huyết áp được gọi là “Kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận khiến cho hàng trăm nghìn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm.
Ước tính, mỗi năm toàn cầu có khoảng 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó 9,4 triệu ca là do biến chứng của tăng huyết áp.
Vì vậy, ngày 17/5 hằng năm được Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới chọn làm Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc... Các bệnh tim mạch liên quan đến huyết áp đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong trên toàn quốc.
Tăng huyết áp, 'kẻ giết người thầm lặng'. Ảnh minh họa
Kết quả điều tra của Bộ Y tế (năm 2015) cũng cho thấy, hiện có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu bia, trong đó gần một nửa uống ở mức nguy hại. Người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so khuyến nghị của WHO và khoảng 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực… Đây là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng tim mạch. Đặc biệt, trong số 12 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay, có gần 60% chưa phát hiện được và hơn 80% chưa được điều trị…
TS Vũ Quỳnh Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, tỷ lệ tăng huyết áp ở nước ta ngày càng tăng lên một cách rõ rệt và có chiều hướng trẻ hóa. Việc nam giới hút thuốc, uống rượu bia ở mức nguy hại, người dân ăn quá mặn, thiếu hoạt động thể lực... cũng là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp. Bệnh này nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng tim mạch trầm trọng và việc điều trị tốn kém.
Để phòng tăng huyết áp, mọi người cần đo huyết áp để biết được số đo huyết áp của mình. Ngoài ra, cần điều chỉnh để có một lối sống hợp lý ngay từ lúc còn trẻ. Cụ thể là:
- Không nên ăn mặn, không ăn nhiều mỡ động vật hoặc các thức ăn có chứa nhiều cholesterol.
- Hạn chế uống rượu, bia.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Tập thể dục đều đặn hằng ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
- Nên khám sức khỏe định kỳ, có kiểm tra số đo huyết áp và làm một số xét nghiệm cơ bản nhất (điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu…).
- Khi đã bị tăng huyết áp thì cần tích cực điều chỉnh lối sống hợp lý và tuân thủ phác đồ điều trị mà thầy thuốc đã hướng dẫn. Cần nhớ là điều trị tăng huyết áp là phải điều trị lâu dài, liên tục.